Có thể nói rằng, Luật Hộ tịch ra đời đã tạo bước đột phá về thể chế của công tác hộ tịch. Là cơ sở pháp lý thống nhất, đồng bộ cho công tác đăng ký và quản lý hộ tịch, là cơ sở quan trọng để xây dựng hệ thống đăng ký và quản lý hộ tịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại.
Thứ nhất, Luật Hộ tịch năm 2014, đã quy định rõ ràng hơn, cụ thể hơn các nội dung đăng ký hộ tịch; đã phân định rõ sự kiện nào là Xác nhận vào Sổ hộ tịch, sự kiện nào là Ghi vào Sổ hộ tịch. Theo đó:
- Xác nhận vào Sổ hộ tịch là xác nhận các sự kiện hộ tịch sau: Khai sinh; Kết hôn; Giám hộ; Nhận cha, mẹ, con;Thay đổi, cải chính hộ tịch, xác định lại dân tộc, bổ sung thông tin hộ tịch; Khai tử.
- Ghi vào Sổ hộ tịch là việc ghi vào sổ hộ tịch việc thay đổi hộ tịch của cá nhân theo bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, bao gồm: Thay đổi quốc tịch; Xác định cha, mẹ, con; Xác định lại giới tính; Nuôi con nuôi, chấm dứt việc nuôi con nuôi; Ly hôn, hủy việc kết hôn trái pháp luật, công nhận việc kết hôn; Công nhận giám hộ; Tuyên bố hoặc hủy tuyên bố một người mất tích, đã chết, bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự.
- Ghi vào Sổ hộ tịch sự kiện khai sinh; kết hôn; ly hôn; hủy việc kết hôn; giám hộ; nhận cha, mẹ, con; xác định cha, mẹ, con; nuôi con nuôi; thay đổi hộ tịch; khai tử của công dân Việt Nam đã được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài.
- Xác nhận hoặc ghi vào Sổ hộ tịch các việc hộ tịch khác theo quy định của pháp luật.
Thứ hai, theo quy định của Luật hộ tịch thì cá nhân có quyền lựa chọn cơ quan đăng ký hộ tịch cho mình tại nơi thường trú, tạm trú hoặc nơi đang sinh sống mà không phải phụ thuộc vào nơi cư trú như trước đây.
Cụ thể tại khoản 4 Điều 5 của Luật “cá nhân có thể được đăng ký hộ tịch tại cơ quan đăng ký hộ tịch nơi thường trú, tạm trú hoặc nơi đang sinh sống. Trường hợp cá nhân không đăng ký tại nơi thường trú thì Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã, Cơ quan đại diện nơi đã đăng ký hộ tịch cho cá nhân có trách nhiệm thông báo việc đăng ký hộ tịch đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cá nhân đó thường trú”.
Thứ ba, Luật phân định rõ thẩm quyền đăng ký hộ tịch của Ủy ban nhân dân cấp xã, cấp huyện, cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài. Theo đó, ngoài việc thay đổi, cải chính hộ tịch cho người từ đủ 14 tuổi trở lên cư trú trong nước, xác định lại dân tộc thì Ủy ban nhân dân cấp huyện được giao thêm thẩm quyền đăng ký hộ tịch cho giải quyết toàn bộ các việc đăng ký hộ tịch có yếu tố nước ngoài (trừ việc đăng ký khai sinh cho trẻ em sinh ra tại Việt Nam có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam thường trú tại khu vực biên giới còn người kia là công dân của nước láng giềng thường trú tại khu vực biên giới với Việt Nam; kết hôn, nhận cha, mẹ, con của công dân Việt Nam thường trú ở khu vực biên giới với công dân của nước láng giềng thường trú ở khu vực biên giới với Việt Nam, khai tử cho người nước ngoài cư trú ổn định lâu dài tại khu vực biên giới của Việt Nam).
Thứ tư, Luật quy định khi thực hiện đăng ký hộ tịch thì cá nhân có quyền lựa chọn 01 trong 03 phương thức đăng ký hộ tịch như sau:
- Nộp hồ sơ trực tiếp cho cơ quan đăng ký hộ tịch;
- Thông qua hệ thống bưu chính;
- Thông qua hệ thống đăng ký trực tuyến khi điều kiện cho phép.
Đây là điểm mới theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính, minh bạch, hiện đại nhằm bảo đảm lợi ích của người dân.
Thứ năm, Luật quy định miễn lệ phí đăng ký hộ tịch cho các trường hợp sau:
- Người thuộc gia đình có công với cách mạng; người thuộc hộ nghèo; người khuyết tật;
- Đăng ký khai sinh, khai tử đúng hạn, giám hộ, kết hôn của công dân Việt Nam cư trú trong nước.
Luật quy định thời hạn đăng ký khai sinh là trong vòng 60 ngày kể từ ngày sinh con; thời hạn đăng ký khai tử là trong vòng 15 ngày kể từ ngày có người chết.
Như vậy, nếu Cá nhân yêu cầu đăng ký sự kiện hộ tịch khác ngoài quy định nêu trên, yêu cầu cấp bản sao trích lục hộ tịch thì phải nộp lệ phí.
Thứ sáu, Luật quy định nội dung đăng ký khai sinh gồm: Thông tin của người được đăng ký khai sinh; thông tin của cha, mẹ người được đăng ký khai sinh và số định danh cá nhân của người được đăng ký khai sinh. Như vậy, khi đăng ký khai sinh, người được đăng ký khai sinh sẽ được cấp 01 mã số định danh cá nhân được ghi vào Giấy khai sinh và đây chính là số thẻ căn cước công dân của người đó khi đủ tuổi được cấp Thẻ căn cước công dân.
Đây là quy định mang tính đột phá trong công tác quản lý hộ tịch và quản lý dân cư, là tiền đề quan trọng tiến tới việc cắt giảm nhiều loại giấy tờ, tạo thuận lợi cho người dân khi tham gia giao dịch, thực hiện các thủ tục hành chính.
Thứ bảy, Luật quy định khi đăng ký hộ tịch, cơ quan đăng ký hộ tịch sẽ cấp 01 bản chính trích lục hộ tịch cho người yêu cầu đăng ký hộ tịch, trừ việc đăng ký khai sinh, đăng ký kết hôn.
Như vậy, theo quy định của Luật Hộ tịch thì cơ quan đăng ký hộ tịch sẽ cấp bản chính Giấy khai sinh, bản chính Giấy chứng nhận kết hôn và bản chính trích lục hộ tịch về sự kiện hộ tịch của người yêu cầu đăng ký.
Bên cạnh đó, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi có nhu cầu cấp bản sao, Luật cũng quy định “cá nhân không phụ thuộc vào nơi cư trú có quyền yêu cầu Cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu hộ tịch cấp bản sao trích lục hộ tịch về sự kiện hộ tịch của mình đã được đăng ký”.
Thứ tám, Luật quy định xây dựng Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử là cơ sở dữ liệu ngành, được lập trên cơ sở tin học hóa công tác đăng ký hộ tịch để lưu giữ thông tin hộ tịch của cá nhân (cùng với cơ sở dữ liệu giấy), kết nối để cung cấp thông tin hộ tịch cơ bản của cá nhân cho Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Theo đó, các sự kiện hộ tịch của cá nhân ngay sau khi đăng ký vào Sổ hộ tịch đều phải được cập nhật kịp thời, đầy đủ, chính xác vào Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử; các Bộ, ngành, địa phương sử dụng thông tin công dân từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để phục vụ công tác quản lý của Bộ, ngành, địa phương mình, cũng như giải quyết thủ tục hành chính cho người dân.
Tuy nhiên Luật cũng quy định rõ trong trường hợp thông tin trong Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư khác với thông tin trong Sổ hộ tịch thì phải điều chỉnh cho phù hợp với Sổ hộ tịch; đồng thời “Cơ sở dữ liệu hộ tịch được quản lý, bảo mật, bảo đảm an toàn; chỉ những cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền mới được tiếp cận và khai thác theo quy định của pháp luật”.
Thứ chín, nhằm nâng cao năng lực của đội ngũ làm công tác hộ tịch, tăng cường trách nhiệm và tính chuyên nghiệp, hạn chế sai sót, vi phạm trong công tác đăng ký, quản lý hộ tịch, Luật quy định rõ tiêu chuẩn, trình độ, nhiệm vụ, quyền hạn của công chức làm công tác hộ tịch, kể cả những việc công chức làm công tác hộ tịch không được làm.
Công ty Luật TNHH Hồng Thái và đồng nghiệp xin hân hạnh được mang đến cho quý khách hàng những dịch vụ tư vấn tốt nhất về các lĩnh vực như:
+ Tư vấn pháp luật dân sự, hỗ trợ pháp lý, soạn thảo và rà soát lại các văn bản liên quan đến các giao dịch dân sự; + Tư vấn, hỗ trợ pháp lý, soạn thảo và rà soát lại các văn bản liên quan đến các giao dịch và nghĩa vụ dân sự như: cầm cố, thế chấp, đặt cọc, bảo lãnh…;
+ Tư vấn pháp luật, hỗ trợ pháp lý, soạn thảo và rà soát lại các văn bản liên quan đến hợp đồng mua bán, tặng, cho, vay mượn tài sản;
+ Tư vấn, hỗ trợ pháp lý, soạn thảo và rà soát lại các văn bản liên quan đến hợp đồng thuê, thuê khoán tài sản và các quy định pháp luật liên quan;
+ Tư vấn, hỗ trợ pháp lý, soạn thảo và rà soát lại các văn bản liên quan đến hợp đồng dịch vụ, hợp đồng vận chuyển hàng hóa, hợp đồng gia công, hợp đồng bảo hiểm và các quy định pháp luật liên quan;
+ Tư vấn, hỗ trợ pháp lý, soạn thảo và rà soát lại các văn bản liên quan đến hợp đồng ủy quyền, giấy ủy quyền và các quy định pháp luật liên quan đến vấn đề ủy quyền.
+ Tư vấn, soạn thảo và rà soát lại các văn bản liên quan đến thừa kế như: tư vấn, hỗ trợ pháp lý về thừa kế cho người để lại thừa kế, người thừa kế; soạn thảo di chúc và các văn bản khác; tư vấn, hỗ trợ pháp lý các vấn đề thừa kế khác có liên quan;
+ Tư vấn, hỗ trợ pháp lý liên quan đến các quan hệ dân sự có yêu tố nước ngoài.
Xin vui lòng liên hệ: 097 693 3335 để công ty chúng tôi có thể tư vấn cho quý khách.
Trân trọng!
(K.Linh)