Ngày nay, do chính sách thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu của các nước có xu hướng cắt giảm dần các mức thuế suất nhằm đáp ứng yêu cầu tự do thương mại hóa quốc tế nên có thể trong tương lai, ranh giới để phân biệt giữa thuế nhập khẩu và thuế nội địa sẽ trở nên mong manh khi mà tự do hóa thương mại đã trở thành xu hướng tất yếu và mang tính hiện thực trên toàn thế giới. Tuy nhiên trên cơ sở các quy định của Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu năm 2016, ta thấy thuế nhập khẩu hiện nay vẫn có vai trò là công cụ để bảo hộ nền sản xuất trong nước và khuyến khích xuất khẩu; điều này được thể hiện ở những mặt sau:
1. Đối tượng chịu thuế
Theo quy định tại Điều 2 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu năm 2016 có nêu các đối tượng chịu thuế nhập khẩu bao gồm:
- Hàng hóa nhập khẩu qua cửa khẩu, biên giới Việt Nam
- Hàng hóa nhập khẩu từ khu phi thuế quan vào thị trường trong nước
- Hàng hóa nhập khẩu tại chỗ và hàng hóa nhập khẩu của doanh nghiệp thực hiện quyền nhập khẩu, quyền phân phối.
Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu năm 2016 quy định: “Khu phi thuế quan là khu vực kinh tế nằm trong lãnh thổ Việt Nam, được thành lập theo quy định của pháp luật, có ranh giới địa lý xác định, ngăn cách với khu vực bên ngoài bằng hàng rào cứng, bảo đảm Điều kiện cho hoạt động kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan của cơ quan hải quan và các cơ quan có liên quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu và phương tiện, hành khách xuất cảnh, nhập cảnh; quan hệ mua bán, trao đổi hàng hóa giữa khu phi thuế quan với bên ngoài là quan hệ xuất khẩu, nhập khẩu”. Quan hệ mua bán, trao đổi hàng hóa giữa khu phi thuế quan với bên ngoài là quan hệ xuất khẩu, nhập khẩu; hàng hóa được nhập từ khu phi thuế quan vào thị trường Việt Nam để tiêu dùng cũng ảnh hưởng lớn đến việc tiêu dùng các sản phẩm hàng hóa trong nước, đây cũng giống như việc nhập khẩu các hàng hóa từ nước ngoài qua cửa khẩu, biên giới để tiêu dùng trong nước. Như vậy, việc quy định hàng hóa nhập khẩu từ khu phi thuế quan vào thị trường trong nước là đối tượng chịu thuế nhập khẩu là một cách để bảo hộ nền sản xuất trong nước giống như các đối tượng hàng hóa nhập khẩu qua cửa khẩu, biên giới Việt Nam để tiêu dùng trong nước trong trường hợp trên.
2. Người nộp thuế
Người nộp thuế nhập khẩu là chủ hàng hóa nhập khẩu, tổ chức nhận ủy thác nhập khẩu, người nhập cảnh có hàng hóa nhập khẩu, nhận hàng hóa qua cửa khẩu, biên giới Việt Nam, người được ủy quyền, bảo lãnh và nộp thuế thay cho người nộp thuế, người có hàng hóa nhập khẩu thuộc đối tượng không chịu thuế, miễn thuế nhưng sau đó có sự thay đổi và chuyển sang đối tượng chịu thuế theo quy định của pháp luật. Đặc biệt tại Khoản 5 Điều 3 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu năm 2016 quy định: “Người thu mua, vận chuyển hàng hóa trong định mức miễn thuế của cư dân biên giới nhưng không sử dụng cho sản xuất, tiêu dùng mà đem bán tại thị trường trong nước và thương nhân nước ngoài được phép kinh doanh hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu ở chợ biên giới theo quy định của pháp luật”. Theo quy định này, với người thu mua, vận chuyển hàng hóa trong định mức miễn thuế của cư dân biên giới nếu họ dùng cho mục đích sản xuất, tiêu dùng của mình thì sẽ không phải nộp thuế nhập khẩu, tuy nhiên nếu họ sử dụng để đem bán tại thị trường trong nước, lúc này xuất hiện hành vi nhập khẩu để bán trong nước, ảnh hưởng tới thị trường tiêu thụ của nhà sản xuất hàng hóa đó trong nước, thì pháp luật quy định họ phải nộp thuế nhập khẩu. Qua đây một lần nữa cho thấy thuế nhập khẩu có vai trò là công cụ để bảo hộ nền sản xuất trong nước.
3. Thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp, thuế tự vệ
Để đảm bảo sự tương thích giữa pháp luật Việt Nam với thông lệ và tập quán quốc tế về thuế quan và thương mại, đặc biệt trong việc bảo hộ nền sản xuất trong nước, pháp luật hiện hành của Việt Nam quy định việc áp dụng các biện pháp về thuế tự vệ, chống bán phá giá và chống trợ cấp.
Theo quy định của Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu năm 2016 quy định:
“Thuế chống bán phá giá là thuế nhập khẩu bổ sung được áp dụng trong trường hợp hàng hóa bán phá giá nhập khẩu vào Việt Nam gây ra hoặc đe dọa gây ra thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước hoặc ngăn cản sự hình thành của ngành sản xuất trong nước.
Thuế chống trợ cấp là thuế nhập khẩu bổ sung được áp dụng trong trường hợp hàng hóa được trợ cấp nhập khẩu vào Việt Nam gây ra hoặc đe dọa gây ra thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước hoặc ngăn cản sự hình thành của ngành sản xuất trong nước.
Thuế tự vệ là thuế nhập khẩu bổ sung được áp dụng trong trường hợp nhập khẩu hàng hóa quá mức vào Việt Nam gây thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe dọa gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất trong nước hoặc ngăn cản sự hình thành của ngành sản xuất trong nước”.
Tăng mức thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu quá mức vào Việt Nam theo quy định của pháp luật về thuế tự vệ trong nhập khẩu hàng hóa nước ngoài vào Việt Nam. Biện pháp này thường được gọi là thuế tự vệ, nhằm bảo hộ cho các hàng hóa trong nước do bị cạnh tranh không chính đáng bởi hàng hóa cùng loại của nước ngoài được nhập khẩu quá mức vào Việt Nam.
Áp dụng mức thuế chống bán phá giá đối với hàng nhập khẩu vào Việt Nam với giá quá thấp so với giá bán thông thường trong giao dịch thương mại (được gọi là hàng bán phá giá) và gây thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất hàng hóa tương tự của Việt Nam. Biện pháp này được áp dụng theo quy định của Pháp lệnh về chống bán phá giá hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam. Việc áp dụng mức thuế chống bán phá giá ở các nước đang phát triển giúp bảo vệ doanh nghiệp và người tiêu dùng trong nước chống lại "mức giá thôn tính" và giá độc quyền bằng cách ngăn chặn lợi thế giá thành thấp của các mặt hàng nhập khẩu đến từ các công ty nước ngoài.
Áp dụng mức thuế chống trợ cấp đối với hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam với giá quá thấp so với giá bán thông thường của hàng hóa đó trong điều kiện giao dịch bình thường trong thương mại quốc tế, do có sự trợ cấp từ nước xuất khẩu và gây thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất hàng hóa tương tự của Việt Nam. Việc áp dụng biện pháp này được thực hiện theo Pháp lệnh về chống trợ cấp hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam.
4. Miễn thuế, hoàn thuế
Tại Khoản 6, Khoản 7 Điều 16 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu năm 2016 quy định miễn thuế đối với: “Nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu để gia công sản phẩm xuất khẩu; sản phẩm hoàn chỉnh nhập khẩu để gắn vào sản phẩm gia công; sản phẩm gia công xuất khẩu”; “Nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu để sản xuất hàng hóa xuất khẩu”. Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc xuất khẩu của các cơ sở sản xuất trong nước, pháp luật đã quy định miễn thuế đối với phần nguyên liệu đầu vào, vật tư linh kiện dùng để gia công sản phẩm xuất khẩu, sản phẩm hoàn chỉnh nhập khẩu để gắn vào sản phẩm gia công, sản phẩm gia công xuất khẩu. Với những quy định này sẽ khuyến khích các cơ sở sản xuất xuất khẩu sản phẩm tạo ra bởi họ được miễn đối với thuế nguyên liệu đầu vào, giá thành sản phẩm sẽ được xuống tạo điều kiện cạnh tranh với các sản phẩm nước ngoài khi xuất khẩu.
CÔNG TY LUẬT TNHH QUỐC TẾ HỒNG THÁI VÀ ĐỒNG NGHIỆP TRÂN TRỌNG!
Để có ý kiến tư vấn đóng góp cụ thể và chính xác hơn, quý khách vui lòng liên hệ với các luật sư chuyên gia của Công ty Luật TNHH Quốc tế Hồng Thái và Đồng nghiệp qua Tổng đài tư vấn pháp luật
19006248Có thể bạn quan tâm: