Tình trạng người vi phạm Luật Giao thông đường bộ “trốn” nộp phạt hành chính và chấp nhận “bỏ” giấy phép lái xe (GPLX) không còn là chuyện mới. Nhưng thực trạng này đang dẫn đến việc sử dụng GPLX giả trở nên phổ biến.
Sẵn sàng bỏ GPLX…
Một trường hợp khác, anh Hoàng Kim M (37 tuổi, ở huyện Lý Nhân, Hà Nam). Anh M không chỉ “bỏ quên” GPLX mà còn bỏ luôn cả Chứng minh nhân dân. Nói về trường hợp này, một cán bộ Đội CSGT số 2 (PC67 Hà Nội) cho hay, giữa tháng 1-2017, người đàn ông này điều khiển xe môtô mang biển kiểm soát 29L7-81xx trên đường Giảng Võ - Cát Linh. Do vi phạm lỗi đi ngược chiều nên anh M bị lực lượng CSGT lập biên bản, tạm giữ GPLX. Tuy nhiên, vì ảnh trên GPLX bị nhòe nên tổ công tác đã tạm giữ cả Chứng minh nhân dân của anh này để tiện cho việc xử lý vi phạm. Nhưng đến nay, anh M vẫn chưa đến làm thủ tục nộp phạt, lấy lại giấy tờ mặc dù đã nhiều lần gửi giấy mời.
Trung tá Nguyễn Đức Huấn - Đội phó Đội CSGT số 4 (PC67 Hà Nội), cho biết, chỉ tính trong năm 2016, đơn vị này đã tạm giữ hơn 3.300 GPLX của người vi phạm Luật Giao thông đường bộ. Đến nay, trải qua nhiều lần gửi thông báo nhưng người vi phạm vẫn chưa đến làm thủ tục nộp phạt để nhận lại giấy tờ.
Không chỉ diễn ra tại Hà Nội, tình trạng người vi phạm Luật Giao thông Đường bộ “bỏ quên” GPLX sau khi vi phạm cũng diễn ra ở TP HCM. Nhiều đơn vị thuộc PC67, Công an TP HCM đang lưu giữ hàng chục nghìn GPLX từ đầu năm 2017 đến nay. Đa phần các trường hợp này vi phạm các lỗi có mức phạt tiền cao, nhiều nhất là lỗi đi vào đường cấm, đường ngược chiều, lái xe khi có nồng độ cồn vượt mức cho phép...
Lý giải sự thờ ơ của chủ GPLX, nhiều ý kiến cho rằng, hiện nay việc sở hữu một GPLX khá đơn giản, thủ tục cấp lại khá dễ dàng, thậm chí việc cấp lại GPLX còn rẻ hơn số tiền phải nộp phạt để lấy lại bằng lái. Bên cạnh đó, việc làm giả GPLX cũng diễn ra tràn lan nên dễ hiểu khi nhiều người sẵn sàng “bỏ quên” GPLX khi bị lực lượng chức năng tạm giữ để xử lý hành chính.
Lãnh đạo một đội CSGT Công an Hà Nội cho hay, tình trạng người vi phạm “bỏ của chạy lấy người” là do hành vi vi phạm có mức xử phạt cao hơn rất nhiều so với chi phí cấp lại, thi mới GPLX. Bên cạnh đó, việc học lại để cấp GPLX quá dễ dàng... nên nhiều trường hợp thay vì đến nộp phạt, nhận lại GPLX theo quy định đã xin học lại để được cấp GPLX mới. Để khắc phục tình trạng trên, các cơ quan chức năng cần phải siết chặt lại khâu tổ chức thi, sát hạch, cấp GPLX tại tất cả các cơ sở. Cùng với đó, ngoài việc đẩy mạnh tuyên truyền, các cơ quan cần phải đồng bộ hóa cơ sở dữ liệu trong việc quản lý các trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông trên toàn quốc. Qua đó, những trường hợp vi phạm cố tình khai báo không trung thực trong việc làm đơn xin cấp lại GPLX khi bị phát hiện, sẽ bị lý.
Kết nối dữ liệu quốc gia...
Điều 73 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 nêu rõ: Cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính phải chấp hành quyết định xử phạt trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Trường hợp quyết định xử phạt vi phạm hành chính có ghi thời hạn thi hành nhiều hơn 10 ngày thì thực hiện theo thời hạn đó; Trường hợp cá nhân, tổ chức bị xử phạt khiếu nại, khởi kiện đối với quyết định xử phạt vi phạm hành chính thì vẫn phải chấp hành quyết định xử phạt. Việc khiếu nại, khởi kiện được giải quyết theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, Điều 5, Thông tư số 153/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định về thủ tục thu, nộp tiền phạt, biên lai thu tiền phạt và kinh phí từ ngân sách Nhà nước đảm bảo hoạt động của các lực lượng xử phạt vi phạm hành chính nêu rõ: “Quá thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định xử phạt vi phạm hành chính mà cá nhân, tổ chức chưa nộp tiền phạt thì sẽ bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt và cứ mỗi ngày chậm nộp phạt, cá nhân, tổ chức vi phạm phải nộp thêm 0,05% trên tổng số tiền phạt chưa nộp. Không tính chậm nộp tiền phạt trong thời hạn cá nhân vi phạm hành chính được hoãn thi hành quyết định xử phạt theo quy định của pháp luật”.
Mặc dù đã có quy định về xử phạt, thậm chí cưỡng chế đối với những trường hợp “trốn” nộp phạt hành chính, nhưng thực trạng này vẫn đang tiếp diễn và chưa có hồi kết. Luật sư Trần Minh Hùng - Trưởng Văn phòng Luật sư Gia Đình (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho hay, lực lượng CSGT có thể phạt trực tiếp hoặc cần có mức phạt hợp lý để người dân lấy lại GPLX, đồng thời công khai số tài khoản để khi ở xa người dân có thể nộp qua kho bạc và sau đó CSGT gửi trả GPLX cho người vi phạm.
Tuy nhiên, biện pháp tốt nhất là nên tuyên truyền để người dân có ý thức chấp hành pháp luật, thực hiện nộp phạt theo quyết định xử phạt. Như vậy, vừa tránh mất công sức, thời gian cho các bên, đồng thời thể hiện sự nghiêm chỉnh chấp hành của người vi phạm. Nếu biết người vi phạm nào gian dối báo mất GPLX để xin cấp lại thì cần có biện pháp xử lý thật nghiêm để tránh tình trạng tương tự.
Việc báo mất GPLX để xin được cấp lại chỉ là một trong những mánh khóe được nhiều người sử dụng để trốn tránh việc nộp phạt vi phạm Luật Giao thông đường bộ. Bên cạnh đó, xuất hiện tình trạng người vi phạm xin cấp lại GPLX ở tỉnh khác nhằm qua mặt lực lượng chức năng. Về vấn đề này, Luật sư Nguyễn Hồng Thái - Giám đốc Công ty Luật quốc tế Hồng Thái và đồng nghiệp (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng: “Cơ quan Nhà nước nên khẩn trương tạo lập dữ liệu kết nối quốc gia trong quá trình xử lý. Đây là hệ thống dữ liệu về xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông trên toàn quốc chứ không chỉ riêng một tỉnh thành. Bên cạnh đó, giữa nội bộ các cơ quan cấp GPLX và cơ quan tạm giữ GPLX cần có những kết nối thông tin qua Internet để cập nhật kịp thời về người vi phạm chưa đóng phạt, lúc đó cơ quan chức năng sẽ từ chối cấp GPLX mới cho đến khi người vi phạm nộp phạt xong. Thực hiện nghiêm khắc các quy định về xử lý vi phạm hành chính, để pháp luật thực sự đi vào đời sống, tránh tình trạng quy định xong rồi để đó, người dân “nhờn luật” “lách luật”.
Theo Thiên Minh- Đình Lan- Báo Petro Times ngày 25/05/2017
*M. Ng*