(Xây dựng) - Hàng loạt lá đơn kiến nghị của nhiều hộ dân thuộc khu tập thể Tòa án tỉnh Hà Tây cũ (nay là tổ dân phố số 7, phường Phú La, quận Hà Đông) gửi tới các cấp chính quyền của Hà Nội phản ánh việc, quyền và lợi ích của họ đang có nguy cơ bị đe dọa bởi những dấu hiệu bất thường xảy ra tại Dự án xây dựng các tuyến đường tiếp giáp với các dự án liên quan Khu đô thị mới Văn Phú, Hà Đông.
Theo phản ánh của người dân, Dự án xây dựng các tuyến đường tiếp giáp với các dự án liên quan Khu đô thị mới Văn Phú, Hà Đông được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt từ tháng 10/2010, theo Quyết định số 5105/QĐ-UBND. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2011 đến năm 2013, dự kiến sẽ cần phải thu hồi 34.366,2m2 đất tại các phường Kiến Hưng, Hà Cầu, Phú La, quận Hà Đông giao cho chủ đầu tư là UBND quận Hà Đông.
Vậy nhưng, dù dự án đã được phê duyệt từ nhiều năm trước đó, nhưng phải đến năm 2013, người dân sinh sống tại đây mới hay biết được sự tồn tại của dự án này thông qua giấy mời họp do ông Tạ Hồng Chung - Phó Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Hà Đông ký mời bà con thuộc diện giải phóng mặt bằng đến thông báo thời gian thực hiện, triển khai thi công và thông qua hồ sơ kỹ thuật các thửa đất nơi có tuyến đường đi qua.
Tại buổi họp có sự xuất hiện của đại diện Ban Quản lý dự án quận và lãnh đạo phường Phú La khi đó đã không nêu rõ và không giải thích cho các hộ dân được biết dự án làm đường được phê duyệt khi nào, dùng để làm gì, cũng như cho người dân được biết về tiến độ và kế hoạch triển khai dự án. Ngay sau khi kết thúc cuộc họp, người dân tổ dân phố số 7, phường Phú La, quận Hà Đông đã đồng loạt làm đơn kiến nghị lên chính quyền quận Hà Đông và thành phố Hà Nội chỉ rõ sự lãng phí và không cần thiết của dự án.
Sau khoảng 3 năm, ai cũng ngỡ rằng, những kiến nghị của mình đã được chính quyền lắng nghe vì thế mà dự án đã được hủy bỏ, chí ít cũng phải điều chỉnh theo nguyện vọng của người dân. Thậm chí, tháng 9/2014, còn có hộ còn xin được giấy phép xây dựng của UBND quận Hà Đông làm nhà kiên cố vì ý nghĩ thời gian thực hiện dự án từ năm 2011 - 2013 đến nay đã hết, như vậy dự án có lẽ đã không được tiếp tục triển khai nữa.
Thế nhưng, khoảng giữa năm 2016, các hộ dân ở tổ dân phố số 7 nhận được tin UBND phường Phú La mời họ lên để phát thông báo và tài liệu liên quan đến quyết định cho phép làm đường. Trong các văn bản nhận được, điều làm người dân thuộc diện giải phóng mặt bằng không thể hiểu nổi là việc UBND quận Hà Đông lấy Quyết định số 5105/QĐ-UBND của UBND thành phố Hà Nội do Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Khôi ký ngày 19/10/2010 làm căn cứ để ban hành hàng loạt các văn bản như: Quyết định thành lập Tổ công tác Giải phóng mặt bằng số 3696/QĐ-UBND ngày 23/4/2016; Quyết định phê duyệt Kế hoạch thực hiện công tác tác thu hồi đất, điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm phục vụ công tác bồi thường, hỗ trợ GPMB (giai đoạn 1) số 3084/QĐ-UBND ngày 28/4/2016… nhằm triển khai thực hiện dự án.
“Chúng tôi không phản đối việc mở đường, làm hè, nhưng cho dù dự án có ý nghĩa thế nào nếu ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân, sử dụng tiền ngân sách thì cần phải công khai, minh bạch và thực hiện đúng pháp luật. Có như vậy mới tạo được sự đồng thuận từ người dân. Không thể đùng một cái thích làm thì làm, không thích thì “đắp chiếu” để đấy vài năm rồi tính tiếp, ảnh hưởng rất lớn tới cuộc sống yên lành của chúng tôi”, bà Đặng Thị Luyến - một người dân thuộc diện mất đất cho biết.
Trước sự phản đối của người dân, ông Trần Đức Hoạt - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cho rằng, tiến độ thực hiện dự án được quy định tại Điều 12 Nghị định số 59/2015/NĐ-CP ngày 18/6/2015 của Chính phủ khi cấp có thẩm quyền phê duyệt dự án, quyết định đầu tư xây dựng. Tại Điều 46 Luật Đầu tư công quy định cấp có thẩm quyền quyết định dự án thực hiện việc điều chỉnh dự án trong trường hợp do các nguyên nhân bất khả kháng làm thay đổi về thời gian thực hiện dự án.
“Do dự án sử dụng vốn ngân sách Thành phố, trong các năm 2011, 2012, 2014, nguồn vốn ngân sách Thành phố gặp nhiều khó khăn nên dự án chưa được bố trí vốn thực hiện. Năm 2013 dự án chỉ được cân đối 15 tỷ đồng để khởi công công trình. Đến năm 2015, 2016 thành phố mới có nguồn vốn cân đối bố trí cho dự án để tiếp tục triển khai. Đến nay, công trình cơ bản hoàn thành, chỉ còn vướng mắc GPMB và thi công khối lượng công việc còn lại liên quan đến 4 hộ dân. Tại văn bản số 991/VP-ĐT ngày 09/02/2017, UBND Thành phố yêu cầu UBND quận Hà Đông thực hiện GPMB và thi công xong khối lượng còn lại của dự án trong quý II/2017 bằng nguồn vốn ngân sách của Quận” - Ông Hoạt phân trần .
Cũng theo ông Trần Đức Hoạt, từ ngày 01/7/2014, dự án được thực hiện theo Luật Đất đai số 45/2013/QH13. Ngày 06/02/2014, UBND thành phố Hà Nội ban hành Quyết định số 831/QĐ-UBND về việc phê duyệt quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ đầu 2011-2015 quận Hà Đông, trong đó có dự án xây dựng các tuyến đường tiếp giáp các dự án liên quan Khu đô thị mới Văn Phú, quận Hà Đông và được công bố theo quy định. “Dự án đã được rà soát, cập nhật vào kế hoạch sử dụng đất điều chỉnh, bổ sung năm 2016, năm 2017 trên địa bàn Quận tại Quyết định số 1663/QĐ-UBND ngày 12/4/2016, số 103/QĐ-UBND ngày 04/01/2017 của UBND thành phố Hà Nội và được công bố theo quy định. Như vậy kế hoạch sử dụng đất, việc thu hồi đất thực hiện dự án được thực hiện theo quy định của Luật Đất đai” - Ông Hoạt nhấn mạnh.
Tuy nhiên, mặc dù là dự án đường công cộng, phục vụ dân sinh nhưng trong suốt nhiều năm, các hộ dân có nhà, đất nằm trong chỉ giới vạch đỏ của phường Phú La được thành phố phê duyệt thuộc diện có thể thu hồi phục vụ công tác giải phóng mặt bằng lại không hề hay biết, không được bàn mà hoàn toàn bị chính quyền áp đặt, đẩy vào thế bị động.
Không đồng ý với câu trả lời từ phía chính quyền, ông Tưởng Duy Thủy (hộ dân sinh sống tại tổ 7, phường Phú La) đã bày tỏ điểm phản bác lại ý kiến của ông Trần Đức Hoạt - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội. Ông Thủy cho rằng, tại Khoản 1 và Khoản 4, Điều 28 Nghị định 12/2009/NĐ-CP của Chính phủ ngày 12/2/2009 quy định về quản lý tiến độ thi công xây dựng công trình, cụ thể: Công trình trước khi triển khai phải được lập tiến độ thi công xây dựng, tiến độ phải phù hợp với tổng tiến độ của dự án đã được phê duyệt. Chủ đầu tư và nhà thầu xây dựng, có trách nhiệm theo dõi giám sát tiến độ thu công xây dựng công trình và điều chỉnh tiến độ trong một số giai đoạn bị kéo dài nhưng không làm ảnh hưởng đến tổng tiến độ của dự án. Trường hợp xét thấy tổng tiến độ của dự án bị kéo dài thì chủ đầu tư phải báo cáo người quyết định đầu tư đưa ra quyết định việc điều chỉnh tổng tiến độ dự án.
Bên cạnh đó, tại Khoản 4 Điều 32 của Nghị định 59/2015/NĐ-CP ngày 18/6/2015 của Chính phủ quy định về tiến độ thi công xây dựng công trình ghi rõ, trường hợp xét thấy tổng tiến độ của dự án bị kéo dài thì chủ đầu tư phải báo cáo người quyết định đầu tư điều chỉnh tiến độ tổng thể của dự án.
“Như vậy, có thể thấy tiến độ dự án là nội dung rất quan trọng, yêu cầu bắt buộc đối với chủ đầu tư (nhất là công tình vốn ngân sách nhà nước thì quy định về tiến độ phải càng chặt chẽ không được vượt quá thời gian thi công xây dựng đã được phê duyệt). Trong trường hợp xét thấy tổng tiến độ thời gian của dự án bị kéo dài hơn thì chủ đầu tư phải báo cáo và đề nghị để được xem xét điều chỉnh gia hạn tiến độ. Dự án trên có thời gian thực hiện từ năm 2011 đến năm 2013 nhưng sau 3 năm mới được gia hạn tiến độ. Nếu thời gian gia hạn không được liên tục như các văn bản của UBND thành phố thì nó sẽ đồng nghĩa với việc sau 10, 20 năm, thậm chí 100 năm sau dự án treo vẫn còn tồn tại thì đâu còn tính nghiêm minh của pháp luật nữa và nhà nước cũng không thể quản lý được” - Ông Tưởng Duy Thủy bức xúc cho biết
Theo phản ánh của người dân, việc thực hiện dự án trên cũng không khách quan, công bằng. Cùng một tuyến đường nằm trên quy hoạch, liền kề nhau nhưng việc thực hiện lại khác nhau một cách vô lý. Khu vực đất tuyến giáp nhà ở Văn La từ đoạn nút giao với Quốc lộ 6 đến nút N1 có mặt cắt ngang đường rộng 24m, riêng đoạn vỉa đã có sự thay đổi rất lớn từ 0,5-2,34m cho đến 6m. Đặc biệt, sang đến khu vực dân cư sinh sống, đường bỗng dưng bành trướng, “móc” cả vào nhà dân để mở rộng.
Và càng vô lý hơn, tại văn bản trả lời các hộ dân tổ dân phố số 7, phường Phú La, quận Hà Đông, ông Trần Đức Hoạt - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội đưa ra lý lẽ khiến dư luận hết sức bất bình khi ông này cho rằng: “Tại Bản vẽ chỉ giới đường đỏ được cấp, Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội đã lưu ý chủ đầu tư: Trước khi lập dự án cần khảo sát các công trình kỹ thuật ngầm nổi hiện có (tuyến điện, tuyến nước, cáp quang...) để có biện pháp đảm bào sự hoạt động bình thường; dọc hai bên tuyến đường hiện có nhà máy nước Hà Đông, tuyến điện 110kv, khi lập dự án đầu tư xây dựng, chủ đầu tư cần đảm bảo sự hoạt động bình thường của các công trình này”.
Vậy ông Trần Đức Hoạt đã làm hết trách nhiệm với người dân hay chưa? Việc trả lời như trên của ông Hoạt có đúng hay không? Phải chăng ông Hoạt coi tài sản của doanh nghiệp quan trọng hơn, có giá trị hơn tài sản, nhà cửa của người dân bằng mồ hôi, nước mắt, cả đời gom góp mới có được? Đây là công trình xây dựng đường phố đô thị, vỉa hè nhà máy nước Hà Đông rộng 2,5m còn có thể đi lại được, lý do gì vỉa hè bên các hộ dân tập thể tòa án rộng hơn 3,5m lại không thể đi lại được? Vậy, mục đích bắt buộc các hộ dân tập thể tòa án phải thu hồi đất, đập phá nhà cửa chỉ để mở rộng vỉa hè từ 3,5m thành 6m ở đây là gì?
Ngoài ra, theo phản ánh của các hộ dân, cùng tuyến đường đối diện với đất tập thể tòa án và nhà máy nước là đất hành lang lưu không lưới điện 110kv có chiều rộng khoảng 7m để làm đường, nhưng dự án không lấy kết lại để chừa ra một nửa đất lưu không có chiều rộng 3,5 và chạy dài 150m (khoảng 500m2) chạy dọc tuyến đường nêu trên. Nếu lấy đất để làm đường phục vụ dự án có thể sẽ giảm thiểu tối đa kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng, và đất có sổ đỏ của người dân khu tập thể tòa án không bị mất, vì thế nhà cửa, đất đai không bị thu hồi, không bị đập phá.
“Thật vô lý đến khó tưởng tượng được, không hiểu họ làm quy hoạch như thế nào mà đất lưu không được để lại, dự án mở đường cố tình lấy vào đất của dân đã có sổ đỏ chỉ để mở rộng vỉa hè. Ở đây, nhiều gia đình bám đường để làm nơi mưu sinh, kiếm sống hằng ngày. Bây giờ lấy đất làm đường thì chúng tôi biết làm gì để có thể tồn tại. Những người lao động liên quan vì thế mà mất công ăn, việc làm vậy tổn thất của chúng tôi ai sẽ phải gánh chịu đây” - Bà Nguyễn Thị Hương (người dân tổ 7, phường Phú La) chia sẻ.
Trước những ý kiến kiến nghị, phản ánh của nhân dân, đã đến lúc, Thường trực Thành ủy và Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội cần chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương vào cuộc làm rõ những phản ánh của người dân khi thực hiện dự án kể trên, đồng thời trả lời cho người dân biết về diện tích đất hành lang lưu không lưới điện 110kv mà dự án để lại không lấy làm đường, nhà nước không phải đền bù mà lại lấy vào đất của các hộ dân tập thể tòa án đã có “sổ đỏ”, đang sinh sống ổn định, có nguy cơ gây thất thoát lãng phí nguồn vốn ngân sách, gây thiệt hại lớn về tài sản, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sinh hoạt của người dân.
" Báo Xây dựng ra ngày 21/05/2017"- Thụy Du
*M.Ng*