Từ xưa đến nay có rất nhiều tác phẩm được sáng tạo ra nhưng việc bảo hộ một tác phẩm như nào thì không phải ai cũng biết. Vì vậy, các hành vi xâm phạm đến quyền tác giả vẫn đang diễn ra hàng ngày, dù vô tình hay cố ý thì việc làm đó sẽ gây ảnh hưởng đến tác giả cũng như sự sáng tạo của họ. Để bảo vệ quyền lợi của tác giả, tránh những trường hợp xảy ra tranh chấp không mong muốn thì mọi người phải hiểu rõ những quy định của pháp luật
1. Một số khái niệm
a. Tác phẩm
Khoản 7 Điều 4 Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 (sửa đổi bổ sung năm 2009) (sau đây gọi tắt là LSHTT) quy định: “Tác phẩm là sản phẩm sáng tạo trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật và khoa học thể hiện bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào”.
Sản phẩm của lao động trí tuệ được thừa nhận là tác phẩm và được bảo hộ phải đáp ứng đủ các yêu cầu sau:
- Là kết quả của hoạt động sáng tạo trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật và khoa học;
- Tác phẩm mang tính sáng tạo nguyên gốc;
- Tác phẩm được định hình dưới một hình thức vật chất nhất định.
Dựa vào nguồn gốc hình thành, có thể phân loại thành tác phẩm gốc và tác phẩm phái sinh. Các loại hình tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả quy định tại Điều 14 LSHTT.
b. Tác giả
Theo khoản 1 Điều 8 Nghị định 100/2006/NĐ-CP thì “Tác giả là người trực tiếp sáng tạo ra một phần hoặc toàn bộ tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học bao gồm:
a) Cá nhân Việt Nam có tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả;
b) Cá nhân nước ngoài có tác phẩm được sáng tạo và thể hiện dưới hình thức vật chất nhất định tại Việt Nam;
c) Cá nhân nước ngoài có tác phẩm được công bố lần đầu tiên tại Việt Nam;
d) Cá nhân nước ngoài có tác phẩm được bảo hộ tại Việt Nam theo Điều ước quốc tế về quyền tác giả mà Việt Nam là thành viên”.
Dựa vào nguồn gốc của tác phẩm, có thể chia thành tác giả tạo ra tác phẩm gốc và tác giả tạo ra tác phẩm phái sinh.
c. Quyền tác giả
Khoản 2 Điều 4 LSHTT quy định: “Quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu”.
Theo đó quyền tác giả có một số đặc điểm sau:
- Tính vô hình của tác phẩm.
- Tác phẩm chỉ được bảo hộ trong một thời hạn nhất định.
- Cơ chế bảo hộ: tác phẩm được bảo hộ độc quyền về hình thức mà không bảo hộ về nội dung ý tưởng
- Hình thức xác lập quyền theo cơ chế bảo hộ tự động.
- Quyền tác giả không được bảo hộ một cách tuyệt đối.
2. Nội dung quyền tác giả
Nội dung của quyền tác giả bao gồm quyền nhân thân và quyền tài sản đối với tác phẩm và được xác định như sau:
a. Quyền nhân thân đối với tác phẩm
Quyền nhân thân đối với tác phẩm là các quyền mang yếu tố tinh thần của chủ thể đối với tác phẩm. Về bản chất, đó là các quyền gắn liền với chủ thể nhất định mà không thể chuyển dịch được. “Tuy nhiên, trong đó có những quyền mà tuy được xác định là quyền nhân thân nhưng nó vốn dĩ lại là cơ sở để chủ thể có các quyền đó thực hiện các quyền khác về tài sản. Và vì thế, muốn thực hiện các quyền về tài sản, người có quyền nhân thân này phải chuyển giao quyền đó cho chủ thể khác”. Quyền nhân thân bao gồm:
- Quyền đặt tên cho tác phẩm. Đây là quyền quan trọng của tác giả để “khai sinh” cho tác phẩm của mình.
- Quyền đứng tên tác giả đối với tác phẩm. Tác giả có quyền lựa chọn việc đứng tên thật, bút danh hoặc có thể chủ động không đứng tên, để tác phẩm của mình ở “tình trạng khuyết danh”.
- Quyền công bố hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm. Việc công bố hay chưa công bố tác phẩm tùy thuộc vào quyết định của tác giả.
- Quyền bảo vệ sự toàn vẹn tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kì hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả. Đây là quyền ngăn cấm hoặc cho phép người khác khai thác, sửa chữa tác phẩm của mình. Quyền này còn ngăn chặn người khác xuyên tạc, xâm phạm tới uy tín, danh dự của mình.
“Trong các quyền trên, quyền đứng tên, quyền đặt tên và quyền bảo vệ sự toàn vẹn tác phẩm là quyền được pháp luật quốc gia và quốc tế bảo hộ vô thời hạn và không được chuyển giao. Quyền công bố tác phẩm là quyền có thể để lại thừa kế, chuyển giao cho tổ chức, cá nhân khác”.
b. Quyền tài sản đối với tác phẩm
- Làm tác phẩm phái sinh
- Biểu diễn tác phẩm trước công chúng
- Sao chép tác phẩm
- Phân phối, nhập khẩu bản gốc hoặc bản sao tác phẩm
- Truyền đạt tác phẩm đến công chúng
- Cho thuê bản gốc hoặc bản sao tác phẩm điện ảnh, chương trình máy tính.
Ngoài ra còn có quyền hưởng nhuận bút; quyền được hưởng thù lao khi tác phẩm được sử dụng; quyền nhận giải thưởng đối với tác phẩm mà mình là tác giả, trừ trường hợp tác phẩm không được Nhà nước bảo hộ.
3. Điều kiện bảo hộ quyền tác giả
- Điều kiện chủ thể (Điều 13 LSHTT):
+ Tổ chức, cá nhân có tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả.
+ Có thể là tổ chức, cá nhân Việt Nam hoặc nước ngoài.
- Các loại hình tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả (Điều 14 LSHTT):
“1. Tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học được bảo hộ bao gồm:
a) Tác phẩm văn học,khoa học,sách giáo khoa,giáo trình và tác phẩm khác được thể hiện dưới dạng chữ viết hoặc ký tự khác;
b) Bài giảng,bài phát biểu và bài nói khác;
c) Tác phẩm báo chí;
d) Tác phẩm âm nhạc;
đ) Tác phẩm sân khấu;
e) Tác phẩm điện ảnh và tác phẩm được tạo ra theo phương pháp tương tự (sau đây gọi chung là tác phẩm điện ảnh);
g) Tác phẩm tạo hình,mỹ thuật ứng dụng;
h) Tác phẩm nhiếp ảnh;
i) Tác phẩm kiến trúc;
k) Bản họa đồ, sơ đồ, bản đồ, bản vẽ liên quan đến địa hình, kiến trúc, công trình khoa học;
2. Tác phẩm phái sinh chỉ được bảo hộ theo quy định tại khoản 1 Điều này nếu không gây phương hại đến quyền tác giả đối với tác phẩm được dùng để làm tác phẩm phái sinh.
3. Tác phẩm được bảo hộ quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này phải do tác giả trực tiếp sáng tạo bằng lao động trí tuệ của mình mà không sao chép từ tác phẩm của người khác”.
- Các đối tượng không thuộc phạm vi bảo hộ quyền tác giả (Điều 15 LSHTT).
“1. Tin tức thời sự thuần tuý đưa tin.
2. Văn bản quy phạm pháp luật,văn bản hành chính,văn bản khác thuộc lĩnh vực tư pháp và bản dịch chính thức của văn bản đó.
3. Quy trình,hệ thống,phương pháp hoạt động,khái niệm,nguyên lý,số liệu”.
4. Thời hạn bảo hộ quyền tác giả
- Quyền nhân thân (trừ quyền công bố hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm) được bảo hộ vô thời hạn.
- Quyền tài sản và quyền công bố hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm có thời hạn bảo hộ như sau:
Đối với tác phẩm điện ảnh, nhiếp ảnh, mỹ thuật ứng dụng, tác phẩm khuyết danh có thời hạn bảo hộ là bảy mươi lăm năm, kể từ khi tác phẩm được công bố lần đầu tiên; đối với tác phẩm điện ảnh, nhiếp ảnh, mỹ thuật ứng dụng chưa được công bố trong thời hạn hai mươi lăm năm, kể từ khi tác phẩm được định hình thì thời hạn bảo hộ là một trăm năm, kể từ khi tác phẩm được định hình;
Đối với các loại tác phẩm khác và tác phẩm khuyết danh, khi các thông tin về tác giả xuất hiện thì có thời hạn bảo hộ là suốt cuộc đời tác giả và năm mươi năm tiếp theo năm tác giả chết; trong trường hợp tác phẩm có đồng tác giả thì thời hạn bảo hộ chấm dứt vào năm thứ năm mươi sau năm đồng tác giả cuối cùng chết.
- Thời hạn bảo hộ chấm dứt vào thời điểm 24 giờ ngày 31 tháng 12 của năm chấm dứt thời hạn bảo hộ quyền tác giả.
Công ty Luật TNHH Hồng Thái và đồng nghiệp xin hân hạnh được mang đến cho quý khách hàng những dịch vụ tư vấn pháp luật tốt nhất về các lĩnh vực như:
+ Tư vấn pháp luật dân sự, hỗ trợ pháp lý, soạn thảo và rà soát lại các văn bản liên quan đến các giao dịch dân sự;
+Tư vấn đầu tư, khắc dấu, cấp giấy phép kinh doanh, tư vấn sở hữu trí tuệ, in hóa đơn;
+ Tư vấn, hỗ trợ pháp lý, soạn thảo và rà soát lại các văn bản liên quan đến các giao dịch và nghĩa vụ dân sự như: cầm cố, thế chấp, đặt cọc, bảo lãnh…;
+ Tư vấn pháp luật, hỗ trợ pháp lý, soạn thảo và rà soát lại các văn bản liên quan đến hợp đồng mua bán, tặng, cho, vay mượn tài sản;
+ Tư vấn, hỗ trợ pháp lý, soạn thảo và rà soát lại các văn bản liên quan đến hợp đồng thuê, thuê khoán tài sản và các quy định pháp luật liên quan;
+ Tư vấn, hỗ trợ pháp lý, soạn thảo và rà soát lại các văn bản liên quan đến hợp đồng dịch vụ, hợp đồng vận chuyển hàng hóa, hợp đồng gia công, hợp đồng bảo hiểm và các quy định pháp luật liên quan;
+ Tư vấn, hỗ trợ pháp lý, soạn thảo và rà soát lại các văn bản liên quan đến hợp đồng ủy quyền, giấy ủy quyền và các quy định pháp luật liên quan đến vấn đề ủy quyền.
+ Tư vấn, soạn thảo và rà soát lại các văn bản liên quan đến thừa kế như: tư vấn, hỗ trợ pháp lý về thừa kế cho người để lại thừa kế, người thừa kế; soạn thảo di chúc và các văn bản khác; tư vấn, hỗ trợ pháp lý các vấn đề thừa kế khác có liên quan;
+ Tư vấn, hỗ trợ pháp lý liên quan đến các quan hệ dân sự có yêu tố nước ngoài.
Xin vui lòng liên hệ: 097 693 3335 để công ty chúng tôi có thể tư vấn cho quý khách.
Trân trọng!