Khi đăng ký thành lập doanh nghiệp, chủ doanh nghiệp, thành viên hoặc cổ đông sáng lập cần nêu tên doanh nghiệp trong đơn đề nghị gửi cơ quan đăng ký kinh doanh.
Tên của doanh nghiệp phải bao gồm hai thành phần, tiền tố thể hiện loại hình doanh nghiệp (Ví dụ: “doanh nghiệp tư nhân” hoặc ” doanh nghiệp tư nhân” hoặc “DNTN”), “công ty hợp danh” (hoặc “công ty HD”), “công ty trách nhiệm hữu hạn” (hoặc “công ty TNHH”), hoặc “công ty cổ phần” (“công ty CP”)) và hậu tố là tên riêng của doanh nghiệp. Tên riêng của doanh nghiệp không nhất thiết phải có mối quan hệ với tên của chủ doanh nghiệp, thành viên hoặc cổ đông sáng lập. Tên riêng của doanh nghiệp chỉ được sử dụng ngành nghề kinh doanh (ví dụ “Công ty dịch vụ vệ sinh A”) hoặc hình thức đầu tư (ví dụ “Côn ty đầu tư bất động sản B”) nếu doanh nghiệp có đăng ký ngành nghề kinh doanh hoặc thực hiện đầu tư theo hình thức đó.
Luật Việt Nam cho phép tên doanh nghiệp được sử dụng các chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt và một số chữ cái không có trong bảng chữ cái tiếng Việt như các chữ cái “F”, “J”, “Z” và “W”. Chữ số (ví dụ “1”) và ký hiệu (ví dụ “&” và”-“) cũng có thể dùng để đặt tên doanh nghiệp.
Tên doanh nghiệp được gắn ở trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp. Tên doanh nghiệp phải được in hoặc viết trên các giấy tờ giao dịch, hồ sơ, tài liệu và ấn phẩm do doanh nghiệp phát hành.
Luật doanh nghiệp 2014 quy định ba hạn chế cơ bản áp dụng đối với tên doanh nghiệp và cơ quan đăng ký kinh doanh có thể từ chối không đăng ký tên doanh nghiệp Việt Nam khi vi phạm các hạn chế này.
1.Không được trùng hoặc gây nhầm lẫn với tên của doanh nghiệp khác.
Tên doanh nghiệp không được trùng hoặc gây nhầm lẫn với tên doanh nghiệp khác đã được đăng ký trên phạm vi toàn quốc. Yêu cầu về tên doanh nghiệp không được trùng hoặc gây nhầm lẫn với tên doanh nghiệp khác không chỉ áp dụng với tên tiếng Việt mà còn áp dụng với cả tên tên tiếng nước ngoài. Tuy nhiên, yêu cầu này chỉ áp dụng đối với tên của doanh nghiệp được thành lập ở Việt Nam. Do vậy, doanh nghiệp Việt Nam về lý thuyết có thể đặt tên trùng hoặc gây nhầm lẫn với doanh nghiệp nước ngoài, trừ trường hợp doanh nghiệp nước ngoài thành lập công ty con tại Việt Nam.
Tên trùng là tên tiếng Việt của doanh nghiệp đề nghị đăng ký được viết hoàn toàn giống với tên tiếng Việt cỉa doanh nghiệp đã đăng ký. Tên của doanh nghiệp đề nghị đăng ký được coi là gây nhầm lẫn với tên của doanh nghiệp đã đăng ký khi:
-Tên tiếng Việt của doanh nghiệp đề nghị đăng ký được đọc giống như tên doanh nghiệp đã đăng ký;
- Tên viết tắt của doanh nghiệp đề nghị đăng ký trùng với tên viết tắt của doanh nghiệp đã đăng ký;
-Tên bằng tiếng nước ngoài của doanh nghiệp đề nghị đăng ký trùng với tên bằng tiếng nước ngoài của doanh nghiệp đã đăng ký;
-Tên riêng của doanh nghiệp đề nghị đăng ký chỉ khác với tên riêng của doanh nghiệp cùng loại đã đăng ký bởi một số tự nhiên, số thứ tự hoặc các chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt và các chữ cái F, J, Z, W ngay sau tên riêng của doanh nghiệp đó;
-Tên riêng của doanh nghiệp đề nghị đăng ký chỉ khác với tên riêng của doanh nghiệp cùng loại đã đăng ký bởi ký hiệu “&”, “.”, “+”, “-”, “_”;
-Tên riêng của doanh nghiệp đề nghị đăng ký chỉ khác với tên riêng của doanh nghiệp cùng loại đã đăng ký bởi từ “tân” ngay trước hoặc “mới” ngay sau hoặc trước tên riêng của doanh nghiệp đã đăng ký;
-Tên riêng của doanh nghiệp đề nghị đăng ký chỉ khác với tên riêng của doanh nghiệp cùng loại đã đăng ký bởi từ “miền Bắc”, “miền Nam”, “miền Trung”, “miền Tây”, “miền Đông” hoặc từ có ý nghĩa tương tự
2. Không được sử dụng tên cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân hoặc tổ chức chính trị hoặc xã hội nào.
Tên doanh nghiệp không được sử dụng tên cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân hoặc tổ chức chính trị, xã hội trừ trường hợp có sự đồng ý của cơ quan, đơn vị hoặc tổ chức đó.
3. Không vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mĩ tục của dân tộc.
Tên doanh nghiệp không được sử dụng từ ngữ hoặc ký hiệu “vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc”. Không có hướng dẫn cụ thể hơn về thế nào là “vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa đạo đức và thuần phong mỹ tục”. Do vậy, cơ quan đăng ký kinh doanh có quyền quyết định tương đối rộng trong việc đồng ý hay từ chối tên riêng của doanh nghiệp.
Ngoài ba hạn chế nên trên, mặc dù không được quy định cụ thể trong luật doanh nghiệp 2014, dường như tên doanh nghiệp cũng không được vi phạm quyền sở hữu trí tuệ của tổ chức hoặc cá nhân khác. Trong trường hợp tên thương mại, nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý của một tổ chức hoặc cá nhân đã được bảo hộ về quyền sở hữu trí tuệ thì doanh nghiệp không được đặt tên hoặc phải đổi tên vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. Quyền sở hữu trí tuệ này có thể của tổ chức hoặc cá nhân nước ngoài đã đăng ký và được bảo hộ tại Việt Nam.
Lưu trữ và công bố tên doanh nghiệp
Tên doanh nghiệp được lưu giữ tại cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp và có thể được tra cứu bởi bất kỳ tổ chức và cá nhân nào với điều kiện phải trả 1 khoản phí cho việc sử dụng.
Luật doanh nghiệp không có quy định về việc công bố công khai tên doanh nghiệp trong quá trình xin đăng ký kinh doanh nên chủ doanh nghiệp, thành viên hoặc cổ đông sáng lập tự chịu trách nhiệm về tên doanh nghiệp. Thông thường không có tranh chấp xẩy ra về tên doanh nghiệp trong quá trình đăng ký thành lập doanh nghiệp vì trong giai đoạn này tên doanh nghiệp chưa được công bố công khai. Trong giai đoạn này, dựa vào thông tin trên cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, cơ quan đăng ký kinh doanh có thể từ chối đăng ký thành lập doanh nghiệp nếu thấy tên doanh nghiệp trùng hoặc có khả năng trùng hoặc gây nhầm lẫn.
Sau khi doanh nghiệp được thành lập (thông qua việc được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp), doanh nghiệp phải thông báo công khai trên cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp một số thông tin của mình, trong đó có tên doanh nghiệp. Tại thời điểm đó, tên doanh nghiệp mới được chính thức công bố công khai. Sau thời điểm này nếu có tranh chấp về tên doanh nghiệp trùng hoặc gây nhầm lẫn, các doanh nghiệp có liên quan được khuyến khích thương lượng với nhau để sửa đổi tên trùng hoặc gây nhầm lẫn. Khi có tranh chấp xẩy ra, cơ quan đăng ký kinh doanh không trực tiếp giải quyết tranh chấp mà sẽ dựa vào quyết định của một cơ quan có thẩm quyền, thông thường là tòa án hoặc trong trường hợp có tranh chấp đến quyền sở hữu trí tuệ, các cơ quan quản lý liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ (ví dụ Thanh tra bộ khoa học công nghệ). Sau khi có quyết định, cơ quan đăng ký kinh doanh sẽ yêu cầu doanh nghiệp vi phạm tiến hành đổi tên.
Hậu quả pháp lý cho việc vi phạm về tên doanh nghiệp trùng hoặc gây nhầm lẫn chỉ dẫn tới việc buộc doanh nghiệp vi phạm đổi tên và có thể bị phạt hành chính.
Doanh nghiệp có thể có tên bằng tiếng nước ngoài và phải đáp ứng hai điều kiện. Tên doanh nghiệp bằng tiếng nước ngoài là tên được dịch từ tên tiếng Việt. Khi dịch sang tiếng nước ngoài, tên riêng của doanh nghiệp của thể được giữ nguyên hoặc dịch theo nghĩa tương ứng sang tiếng nước ngoài. Ngoài ra,i tiếng nước ngoài phải là tiếng theo hệ chữ La-tinh. Tên nước ngoài không thể sử dụng tiếng nước ngoài không theo hệ chữ La-Tinh như tiếng Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Thái Lan.
Để phân biệt tên bằng tiếng Việt và tên bằng tiếng nước ngoài của doanh nghiệp, tên bằng tiếng nước ngoài phải được in hoặc viết với khổ chữ nhỏ hơn tên tiếng Việt của doanh nghiệp tại trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp hoặc trên các giấy tờ giao dịch, hồ sơ tài liệu và ấn phẩm do doanh nghiệp phát hành.
Tên viết tắt của doanh nghiệp được viết tắt từ tên tiếng Việt hoặc tên viết bằng tiếng nước ngoài.