"Bảo vệ môi trường (BVMT) là một trong những vấn đề sống còn của nhân loại", "là quyền lợi và nghĩa vụ của mọi tổ chức, mọi gia đình và của mỗi người". BVMT trong thời kỳ hiện nay không chỉ là đòi hỏi cấp thiết đối với các cấp quản lí, các doanh nghiệp mà còn là trách nhiệm của cả cộng đồng.
Sự tham gia của cộng đồng
trong BVMT được thể hiện dưới nhiều hình thức phong phú và đa dạng: tự BVMT, hay thực hiện các hoạt động
mang tính chất quản lý môi trường. Chính
sự phong phú của hình thức và sự đa dạng của thành phần tham gia với các tri thức,
kinh nghiệm khác nhau, sự tham gia của cộng đồng đồng đã huy động tối đa các
nguồn lực trong xã hội nhằm giữ môi trường trong sạch, ngăn chặn và khắc phục
tác động xấu tới môi trường. Cụ thể:
Thứ nhất, góp phần làm giảm áp lực công việc cho các
CQNN trong việc BVMT. Đồng thời cũng góp phần tạo sức ép buộc các cơ quan phải
thi hành đúng nhiệm vụ của mình.
Cộng đồng tham gia BVMT qua năm cấp độ với mức độ tham gia tăng dần từ cấp
độ thông báo tới cấp độ chủ trì. Dễ thấy sự chủ động của cộng đồng trong BVMT
càng tăng lên thì những công việc mà CQNN phải gánh vác càng được giảm thiểu.
Đồng thời, sự tham gia của cộng đồng cũng phần nào tạo sức ép, buộc các
CQNN phải thực hiện các biện pháp BVMT. Thực tế cho thấy, trong hoạt động BVMT,
đặc biệt trong quản lý tài nguyên, khá nhiều cá nhân, tổ chức có thẩm quyền đưa
ra các quyết định sai trái, nhằm tư lợi cá nhân hoặc vì “ngại” làm việc, “ngại”
đấu tranh mà ra quyết định một cách vô trách nhiệm, thờ ơ, buông xuôi gây tổn hại
tới môi trường, ảnh hưởng tới lợi ích cộng đồng. Nhiều hành vi gây ảnh hưởng xấu
tới môi trường, nếu không được người dân, cộng đồng dân cư phát hiện và gặp phải
sự phản ứng gay gắt của cộng đồng sẽ không bị xử lý và hậu quả về môi trường sẽ
không được giải quyết.
Thứ hai, góp phần giảm thiểu chi phí cho hoạt động
BVMT
Sẽ rất khó để đánh giá chính xác những chi phí xã hội phải trả cho hoạt động
BVMT hay sự tham gia BVMT của cộng đồng sẽ giảm thiểu bao nhiêu phần trăm cho
chi phí đó. Tuy nhiên chúng ta có thể nhìn nhận gián tiếp thông qua đánh giá những
chi phí cho việc xử lý ô nhiễm và phục hồi môi trường... khi cộng đồng không
tích cực tham gia BVMT.
Điều này có thể được nhìn nhận thông qua ví dụ về sự tham gia của cộng đồng
trong việc phản đối xây dựng nhà máy thủy điện Đồng Nai 6, 6A. Giả thiết nếu
trong năm vừa qua, cộng đồng dân cư, lực lượng nhà báo, và tổ chức xã hội không
mạnh mẽ, kiên quyết đấu tranh thì chi phí BVMT sẽ là bao nhiêu nếu hai dự án
nhà máy thủy điện Đồng Nai 6, 6A được xây dựng trên diện tích đất của vườn quốc
gia Cát Tiên. Theo báo cáo ĐTM, bồi thường thiệt hại và kinh phí BVMT cho dự án
thủy điện Đồng Nai 6 là 57 tỉ đồng (chiếm 0,011% tổng mức đầu tư), còn dự án thủy
điện Đồng Nai 6A là 57 tỉ đồng (chiếm 0,015% tổng mức đầu tư). Tuy nhiên theo
đánh giá của các chuyên gia, những tính toán trên của chủ dự án là chưa đầy đủ
và thiếu chính xác. Nếu hai dự án này được triển khai trong thực tế, thì chi
phí cho BVMT như các chi phí khắc phục, phục hồi môi trường, chi phí bảo tồn
các loài sinh vật có nguy cơ bị tuyệt chủng… mà chúng ta phải chi trả còn lớn
hơn rất nhiều lần. Bởi vậy có thể nói chính sự phản đối và tham gia tích cực của
cộng đồng xã hội trong việc xây dựng hai nhà máy thủy điện này mà chúng ta có
thể tránh được những tổn thất vô cùng to lớn sau đó.
Thứ ba, khi người dân trong cộng đồng hoặc người đại
diện luôn quan tâm theo dõi trong công tác BVMT thì tại nơi đó khó có thể xảy
ra những vi phạm về luật BVMT.
Môi trường bị ô nhiễm, cộng đồng sẽ là người chịu tổn thương lớn nhất. Bởi
thế cộng đồng chính là đối tượng luôn mong muốn nhất sự an toàn, trong sạch của
môi trường. Bên cạnh đó người dân là những người sống xung quanh các cơ sở sản
xuất, các khu vực bị ô nhiễm nên việc tham gia theo dõi, giám sát hoạt động
BVMT của chủ dự án sẽ thường xuyên, lâu dài và sâu sát hơn so với các cán bộ quản
lý. Thực tế cũng chỉ ra rằng, với hiện tượng thông đồng, câu kết giữa chủ dự án
và đơn vị giám sát sẽ khó hoặc không thể phát hiện nếu không có sự giám sát của
cộng đồng. Không những thế hiện nay pháp luật cũng có khá nhiều bảo đảm cho hoạt
động giám sát môi trường của cộng đồng như đối tượng chịu giám sát không chỉ là
bản thân cộng đồng mà bao gồm cả chủ dự án và CQNN, các hình thức giám sát
phong phú, phương thức tố giác hành vi vi phạm đầy đủ… Như vậy xét về cả thực
tiễn cũng như pháp lý, cộng đồng có đủ điều kiện để thực hiện tốt giám sát môi
trường.
Thứ tư, góp phần thể hiện tiếng nói của cộng đồng
trong hoạt động BVMT, từ đó đảm bảo quyền môi trường của cộng đồng
Môi trường, tài nguyên thiên nhiên là tài sản chung
của toàn xã hội nhưng cũng như nhiều loại tài sản chung khác, chúng rất dễ bị tổn
thương, xâm hại, từ đó tác động tiêu cực tới quyền lợi của cộng đồng cả về kinh
tế, xã hội. Điều này có thể chứng minh bởi thực trạng cấp phép khai thác mỏ của
ta trong thời gian qua. Tại Việt Nam, trong 13 năm, cấp Trung ương đã cấp 353
giấy phép khai thác mỏ và cấp địa phương cấp tới 3.822 giấy phép khai thác mỏ.
Theo PGS.TS Nguyễn Khắc Vinh - Chủ tịch Tổng hội Địa chất Việt Nam cho biết, tổng
kết 13 năm thực hiện Luật Khoáng sản (1996-2009) và thực tế cho thấy rằng tình
trạng khai thác tài nguyên khoáng sản tràn lan và vô tổ chức ở nhiều nơi đã làm
thất thoát lớn nguồn tài nguyên, ảnh hưởng xấu đến cơ sở hạ tầng, phá hủy môi
trường sống, nảy sinh nhiều tệ nạn xã hội cho địa phương nơi có mỏ, từ đó lảm ảnh
hưởng lớn tới cuộc sống của cộng đồng.
Việc thực hiện các hoạt động khai thác môi trường, cần
xem xét một cách đầy đủ các lợi ích khác nhau: lợi ích của Nhà nước, lợi ích của
địa phương, lợi ích của nhà đầu tư và lợi ích của cộng đồng.
Cũng cần nhìn nhận rằng, trên thực tế
khi xảy ra mâu thuẫn, xung đột giữa các nhóm lợi ích này, thông thường, lợi ích
của cộng đồng dễ bị bỏ qua. Hay nói một cách khác lợi ích của cộng đồng
dân cư bị xâm hại một cách không chính đáng. Một trong những tiền đề để có thể bảo đảm hoà hoá các lợi ích là sự tham
gia rộng rãi của đại diện các nhóm lợi ích trong quá trình giải quyết các vấn đề
môi trường. Từ đây, việc tham gia thật sự của cộng đồng dân cư (người dân) vào
hoạt động BVMT là cần thiết nhằm thể hiện tiếng nói của cộng đồng trong việc bảo
đảm phát triển bền vững, bảo đảm những lợi ích chính đáng của mình.
KIM NGÂN