Hotline: 0962.893.900
CÔNG TY LUẬT TNHH HỒNG THÁI VÀ ĐỒNG NGHIỆP (HILAP LAWFIRM)
DỊCH VỤ TƯ VẤN PHÁP LÝ CHO DOANH NGHIỆP – TẬN TÂM * CHUYÊN NGHIỆP * UY TÍN
HOTLINE: 0962.893.900 - 0912.762.891

Nghị định 103/2009/NĐ-CP của Chính phủ ban hành quy chế hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa

(Số lần đọc 591)

CHÍNH PHỦ
------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
-------------------

Số: 103/2009/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 06 tháng 11 năm 2009

 

NGHỊ ĐỊNH

BAN HÀNH QUY CHẾ HOẠT ĐỘNG VĂN HÓA VÀ KINH DOANH DỊCH VỤ VĂN HÓA CÔNG CỘNG

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch,

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Nghị định này Quy chế hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng.

Điều 2. Hiệu lực của Nghị định

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2010 và thay thế Nghị định số 11/2006/NĐ-CP ngày 18 tháng 01 năm 2006 của Chính phủ ban hành Quy chế hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng.

Điều 3. Cấp mới giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và giấy phép kinh doanh vũ trường, karaoke.

Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã phê duyệt quy hoạch vũ trường, karaoke theo quy định tại Quy chế hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng ban hành kèm theo Nghị định số 11/2006/NĐ-CP ngày 18 tháng 01 năm 2006 của Chính phủ và Chỉ thị 17/2005/CT-TTg ngày 25 tháng 5 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh các hoạt động tiêu cực trong quán bar, nhà hàng karaoke, vũ trường được tiếp tục cấp mới giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và giấy phép kinh doanh theo đúng quy hoạch đã được phê duyệt.

Điều 4. Trách nhiệm thực hiện

1. Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chịu trách nhiệm hướng dẫn thi hành Nghị định này.

2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- VP BCĐ Trung ương về phòng, chống tham nhũng;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách Xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban TW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, Đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: Văn thư, KGVX (5b).  

TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG




Nguyễn Tấn Dũng

 

QUY CHẾ

 HOẠT ĐỘNG VĂN HÓA VÀ KINH DOANH DỊCH VỤ VĂN HÓA CÔNG CỘNG
(Ban hành kèm theo Nghị định số 103/2009/NĐ-CP ngày 06 tháng 11 năm 2009 của Chính phủ)

Chương 1.

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Mục đích hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng; trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức đối với hoạt động văn hóa của cơ quan, tổ chức mình

1. Các hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng phải nhằm xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; giáo dục nếp sống lành mạnh và phong cách ứng xử có văn hóa cho mọi người; kế thừa và phát huy truyền thống nhân ái, nghĩa tình, thuần phong mỹ tục; nâng cao hiểu biết và trình độ thẩm mỹ, làm phong phú đời sống tinh thần của nhân dân; ngăn chặn sự xâm nhập và bài trừ những sản phẩm văn hóa có nội dung độc hại; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

2. Người đứng đầu các cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, tổ chức kinh tế, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp chịu trách nhiệm trước pháp luật về hoạt động văn hóa, dịch vụ văn hóa thuộc phạm vi quản lý của mình.

Điều 2. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh:

a) Quy chế này quy định các hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng (sau đây gọi là Quy chế) bao gồm: lưu hành, kinh doanh băng, đĩa ca nhạc, sân khấu; biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; triển lãm văn hóa, nghệ thuật; tổ chức lễ hội; viết, đặt biển hiệu; hoạt động vũ trường, karaoke, trò chơi điện tử, các hoạt động văn hóa, dịch vụ văn hóa và các hình thức vui chơi giải trí khác;

b) Nơi tổ chức hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng quy định tại Quy chế này bao gồm nhà hát, nhà văn hóa, nhà triển lãm, trung tâm văn hóa, câu lạc bộ, cơ sở lưu trú du lịch, nhà khách, nhà nghỉ, nhà hàng ăn uống, giải khát, cửa hàng, cửa hiệu, sân vận động, nhà thi đấu thể thao, quảng trường, phương tiện vận tải hành khách công cộng và các phương tiện, địa điểm khác có tổ chức các hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa quy định tại điểm a khoản này.

2. Đối tượng áp dụng:

Quy chế này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam; trong trường hợp Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác thì áp dụng quy định của Điều ước quốc tế đó.

Điều 3. Quy định cấm trong hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng

Nghiêm cấm các hoạt động sau đây:

1. Các hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa có nội dung:

a) Kích động nhân dân chống lại Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân;

b) Kích động bạo lực, tuyên truyền chiến tranh xâm lược, gây hận thù giữa các dân tộc và nhân dân các nước; truyền bá tư tưởng, văn hóa phản động, lối sống dâm ô đồi trụy, các hành vi tội ác, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, trái với thuần phong mỹ tục, gây hại cho sức khỏe và hủy hoại môi trường sinh thái;

c) Tiết lộ bí mật của Đảng, Nhà nước, bí mật quân sự, an ninh, kinh tế, đối ngoại, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác do pháp luật quy định.

d) Xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, xúc phạm vĩ nhân, xúc phạm dân tộc, vu khống, xúc phạm danh dự, uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân.

2. Lưu hành, phổ biến và kinh doanh các sản phẩm văn hóa; sản xuất, nhập khẩu trái phép các sản phẩm văn hóa đã có quyết định đình chỉ lưu hành, cấm lưu hành, thu hồi, tịch thu, tiêu hủy; kinh doanh dịch vụ văn hóa mà không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy phép kinh doanh theo quy định.

3. Tổ chức các hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa vi phạm các quy định về nếp sống văn minh, an ninh, trật tự và phòng, chống cháy nổ.

Chương 2.

LƯU HÀNH, KINH DOANH BĂNG, ĐĨA CA NHẠC, SÂN KHẤU

Điều 4. Các loại băng, đĩa ca nhạc, sân khấu thuộc phạm vi điều chỉnh của Quy chế

1. Băng, đĩa ca nhạc, sân khấu quy định tại Quy chế này bao gồm băng cát – xét, băng video, đĩa CD, VCD, DVD, CD-ROM, đĩa vi tính, IC chips, USD và các loại phương tiện, thiết bị, vật liệu khác có nội dung ca nhạc, sân khấu, thời trang, hoa hậu, hoa khôi, người đẹp, thể thao, sau đây gọi chung là băng, đĩa ca nhạc, sân khấu.

2. Băng, đĩa ca nhạc, sân khấu của các nhà xuất bản không thuộc phạm vi điều chỉnh của Quy chế này.

Điều 5. Thẩm quyền, thủ tục cấp giấy phép lưu hành và cấp nhãn kiểm soát băng, đĩa ca nhạc, sân khấu

1. Băng, đĩa ca nhạc, sân khấu được sản xuất trong nước hoặc nhập khẩu phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại khoản 2 Điều này duyệt và cấp giấy phép mới được lưu hành rộng rãi. Băng, đĩa ca nhạc, sân khấu được phép lưu hành rộng rãi phải dán nhãn kiểm soát theo quy định tại khoản 4 Điều này.

2. Thẩm quyền cấp giấy phép lưu hành băng, đĩa ca nhạc, sân khấu:

a) Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp giấy phép lưu hành băng, đĩa do các tổ chức thuộc Trung ương sản xuất hoặc nhập khẩu;

b) Sở Văn hóa, Thể hao và Du lịch cấp giấp phép lưu hành băng, đĩa do các tổ chức, cá nhân thuộc địa phương sản xuất hoặc nhập khẩu;

c) Tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép lưu hành băng, đĩa ca nhạc, sân khấu phải nộp lưu chiểu 2 bản băng, đĩa tại cơ quan cấp giấy phép; cơ quan cấp giấy phép có trách nhiệm nhận và lưu giữ băng, đĩa lưu chiểu trong thời hạn 2 năm. Hết thời hạn lưu chiểu, cơ quan cấp giấy phép xử lý băng, đĩa lưu chiểu theo quy định của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

3. Thủ tục cấp giấy phép lưu hành băng, đĩa ca nhạc, sân khấu:

Tổ chức, cá nhân đề nghị cấp phép gửi hồ sơ đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại khoản 2 Điều này.

a) Hồ sơ bao gồm:

- Đơn đề nghị cấp phép lưu hành băng, đĩa ca nhạc, sân khấu trong đó ghi rõ: nội dung (chủ đề) băng, đĩa, tên tác phẩm, tác giả, nguồn gốc;

- Giấy tờ chứng minh chủ sở hữu bản quyền sản phẩm;

- Sản phẩm đề nghị cấp phép, kèm theo bản nhạc, kịch bản.

b) Trong thời hạn 7 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền phải cấp giấy phép; trường hợp không cấp giấy phép phải trả lời bằng văn bản, nêu rõ lý do.

4. Thủ tục cấp nhãn kiểm soát băng, đĩa ca nhạc, sân khấu:

Tổ chức, cá nhân đề nghị cấp nhãn kiểm soát gửi hồ sơ đến Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

a) Hồ sơ bao gồm:

- Đơn đề nghị cấp nhãn kiểm soát trong đó ghi rõ: tên băng, đĩa ca nhạc, sân khấu, số quyết định cho phép lưu hành, số lượng nhãn kiểm soát;

- Bản sao quyết định cho phép lưu hành có giá trị pháp lý (đối với trường hợp Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp giấy phép lưu hành).

b) Trong thời hạn 7 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền phải cấp nhãn kiểm soát; trường hợp không cấp phải trả lời bằng văn bản, nêu rõ lý do.

Điều 6. Quy định đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh, phổ biến băng, đĩa ca nhạc, sân khấu

1. Tổ chức, cá nhân kinh doanh băng, đĩa ca nhạc, sân khấu chỉ được nhân bản băng, đĩa đã được phép lưu hành, bán, cho thuê băng, đĩa đã dán nhãn kiểm soát theo quy định.

2. Tổ chức, cá nhân phổ biến băng đĩa, ca nhạc, sân khấu có mục đích kinh doanh hoặc không có mục đích kinh doanh chỉ được phổ biến băng, đĩa đã được phép lưu hành, có dán nhãn kiểm soát theo quy định.

3. Tổ chức, cá nhân kinh doanh nhân bản, bán cho thuê băng, đĩa ca nhạc, sân khấu không được thực hiện các hành vi sau:

a) Nhân bản băng, đĩa mà không được sự đồng ý của chủ sở hữu bản quyền;

b) Thêm, bớt hình ảnh hoặc âm thanh làm thay đổi nội dung băng, đĩa đã được phép lưu hành;

c) Nhân bản băng, đĩa cấm lưu hành hoặc đã có quyết định thu hồi, tịch thu, tiêu hủy.

Chương 3.

BIỂU DIỄN NGHỆ THUẬT, TRÌNH DIỄN THỜI TRANG

Điều 7. Thẩm quyền và thủ tục cấp giấy phép biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang

1. Tổ chức, cá nhân tổ chức biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang trước công chúng phải có giấy phép công diễn của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định sau đây:

a) Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp giấy phép đối với các đoàn nghệ thuật thuộc các cơ quan trung ương biểu diễn nghệ thuật và trình diễn thời trang, các đoàn nghệ thuật nước ngoài vào biểu diễn theo chương trình hợp tác văn hóa giữa các cơ quan trung ương với nước ngoài; nghệ sỹ là người Việt Nam định cư ở nước ngoài về biểu diễn ở Việt Nam;

b) Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp giấy phép đối với các đoàn nghệ thuật thuộc địa phương, các đoàn nghệ thuật, cá nhân nghệ sĩ nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài biểu diễn tại địa phương, trình diễn thời trang tại địa phương không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản này, cá nhân nghệ sĩ Việt Nam (không phải là đoàn nghệ thuật) biểu diễn tại địa phương.  

2. Thủ tục cấp giấy phép công diễn:

Tổ chức, cá nhân muốn tổ chức biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang phải gửi hồ sơ đề nghị cấp giấy phép công diễn tới cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều này.

a) Hồ sơ bao gồm:

- Đơn đề nghị cấp giấy phép công diễn (ghi rõ tên chương trình, tiết mục, tác giả, đạo diễn, người biểu diễn);

- Bản cam kết khi tổ chức biểu diễn không vi phạm các quy định cấm tại Điều 3 Quy chế này;

- Bản nhạc, kịch bản đối với tác phẩm đề nghị công diễn lần đầu; ảnh hoặc mẫu thiết kế trang phục trình diễn đối với trình diễn thời trang.

b) Trong thời hạn 7 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm cấp giấy phép công diễn; trường hợp không cấp giấy phép phải trả lời bằng văn bản, nêu rõ lý do; trường hợp cần duyệt chương trình trước khi cấp giấy phép công diễn, tổ chức, cá nhân đề nghị cấp giấy phép có trách nhiệm tạo điều kiện để cơ quan nhà nước có thẩm quyền duyệt.

Điều 8. Tổ chức biểu diễn nghệ thuật không bán vé thu tiền

1. Tổ chức, cá nhân tổ chức cho đoàn nghệ thuật, nghệ sĩ Việt Nam biểu diễn nhằm mục đích phục vụ nội bộ hoặc biểu diễn tại các cơ sở lưu trú du lịch, nhà hàng ăn uống, giải khát không bán vé thu tiền xem biểu diễn không phải đề nghị cấp giấy phép nhưng chỉ được biểu diễn bài hát, bản nhạc, vở diễn đã được phép công diễn.

2. Chủ cơ sở lưu trú du lịch, nhà hàng ăn uống, giải khát tổ chức cho đoàn nghệ thuật, nghệ sĩ nước ngoài biểu diễn tại cơ sở của mình không bán vé thu tiền xem biểu diễn phải đăng ký với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch sở tại.

Sau 7 ngày làm việc kể từ ngày đăng ký, nếu Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch không có ý kiến thì người đăng ký được phép tổ chức biểu diễn nội dung đã đăng ký. Thủ tục đăng ký do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định.

Điều 9. Trách nhiệm của chủ địa điểm biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang

Chủ địa điểm biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang phải tuân theo các quy định sau đây:

1. Không phát hành vé quá số ghế, quá sức chứa hoặc quá số lượng được cơ quan có thẩm quyền cho phép; bảo đảm các điều kiện về phòng, chống cháy nổ;

2. Bảo đảm âm lượng vượt ra ngoài nơi biểu diễn không quá quy định về tiêu chuẩn mức ồn tối đa cho phép;

3. Không để người say rượu, bia, người sử dụng các chất ma túy vào nơi tổ chức biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang;

4. Phải có quy định về nếp sống văn minh niêm yết tại nơi tổ chức biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang để mọi người biết và thực hiện.

Điều 10. Trách nhiệm của người tổ chức biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang

Người tổ chức biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang trước công chúng phải tuân theo các quy định sau đây:

1. Thực hiện đúng nội dung ghi trong giấy phép công diễn và các quy định pháp luật có liên quan.

2. Không được thực hiện các hành vi sau đây:

a) Yêu cầu hoặc cho phép người biểu diễn sử dụng trang phục hoặc hóa trang không phù hợp với thuần phong mỹ tục dân tộc;

b) Thay đổi nội dung, thêm bớt lời ca, lời thoại, thêm động tác diễn xuất khác với nội dung đã được phép công diễn mà gây hậu quả xấu;

c) Dùng giọng hát thu trong băng, đĩa để thay cho giọng hát thật của người biểu diễn;

d) Tổ chức biểu diễn cho người đã bị cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa, thể thao và du lịch cấm biểu diễn;

đ) Quảng cáo mạo danh nghệ sĩ, đơn vị nghệ thuật; quảng cáo giới thiệu diễn viên không đúng với danh hiệu hoặc thành tích nghệ thuật do Nhà nước hoặc cơ quan chức năng phong tặng;

e) Hoạt động sau 12 giờ đêm đến 8 giờ sáng mà không được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch nơi biểu diễn cho phép.

Điều 11. Trách nhiệm của người biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang

Người biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang trước công chúng phải tuân theo quy định tại khoản 1, các điểm b và c khoản 2 Điều 10 và các quy định khác có liên quan tại Quy chế này; khi biểu diễn không được có những hành vi thiếu văn hóa hoặc phát ngôn thô tục, không đúng đắn.

Chương 4.

TRIỂN LÃM VĂN HÓA, NGHỆ THUẬT

Điều 12. Các loại triển lãm văn hóa, nghệ thuật thuộc phạm vi điều chỉnh của Quy chế

Triển lãm văn hóa, nghệ thuật quy định tại Quy chế này bao gồm: triển lãm mỹ thuật, triển lãm ảnh và các triển lãm văn hóa, nghệ thuật khác.

Điều 13. Thẩm quyền và thủ tục cấp giấy phép triển lãm

1. Triển lãm mỹ thuật, triển lãm ảnh của tổ chức, cá nhân Việt Nam, triển lãm mỹ thuật, triển lãm ảnh, triển lãm văn hóa, nghệ thuật khác của tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam phải được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định sau:

a) Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp giấy phép đối với triển lãm mỹ thuật, triển lãm ảnh có quy mô toàn ngành của các cơ quan trung ương; triển lãm mỹ thuật, triển lãm ảnh, triển lãm văn hóa, nghệ thuật khác của nước ngoài có danh nghĩa đại diện cho một nước hoặc có sự phối hợp của nhiều nước; triển lãm của tổ chức quốc tế trưng bày tại Việt Nam;

b) Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp giấy phép đối với triển lãm mỹ thuật, triển lãm ảnh của các tổ chức, cá nhân thuộc địa phương; triển lãm mỹ thuật, triển lãm ảnh của các cơ quan trung ương; triển lãm mỹ thuật, triển lãm ảnh, triển lãm văn hóa, nghệ thuật khác của tổ chức, cá nhân nước ngoài trưng bày tại địa phương mà không thuộc thẩm quyền của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định tại điểm a khoản này.

2. Thủ tục cấp giấy phép triển lãm:

Tổ chức, cá nhân muốn tổ chức triển lãm văn hóa, nghệ thuật phải gửi hồ sơ đề nghị cấp giấy phép triển lãm tới cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều này.

a) Hồ sơ bao gồm:

- Đơn đề nghị cấp giấy phép triển lãm trong đó ghi rõ thời gian, địa điểm dự định triển lãm;

- Danh mục tác phẩm, tác giả; đối với triển lãm ảnh phải ghi rõ kích thước tác phẩm; đối với triển lãm mỹ thuật phải ghi rõ chất liệu, kích thước tác phẩm, ảnh tác phẩm kích thước từ 9 x 12 cm trở lên;

- Mẫu giấy mời, catalogue giới thiệu nội dung triển lãm;

- Bản cam kết khi tổ chức triển lãm không vi phạm các quy định cấm tại Điều 3 Quy chế này;

- Các văn bản có liên quan bằng tiếng nước ngoài phải kèm theo bản dịch bằng tiếng Việt Nam.

b) Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm cấp giấy phép; trường hợp không cấp giấy phép phải trả lời bằng văn bản, nêu rõ lý do.

Điều 14. Các loại triển lãm phải đăng ký

Triển lãm văn hóa, nghệ thuật khác của tổ chức, cá nhân Việt Nam không thuộc trường hợp quy định phải xin phép tại Điều 13 Quy chế này phải đăng ký với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch nơi tổ chức triển lãm. Sau 7 ngày làm việc kể từ ngày đăng ký, nếu Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch không có ý kiến thì người đăng ký được thực hiện nội dung đã đăng ký. Thủ tục đăng ký do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định.

Điều 15. Điều kiện triển lãm và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân tổ chức triển lãm

1. Triển lãm văn hóa, nghệ thuật quy định tại Quy chế này phải tuân theo các điều kiện sau đây:

a) Hiện vật, tài liệu triển lãm phải phù hợp với chủ đề, nội dung của triển lãm; có nguồn gốc, xuất xứ và quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hợp pháp của người tổ chức triển lãm;

b) Địa điểm tổ chức triển lãm phải có diện tích phù hợp với tính chất và quy mô của triển lãm; đảm bảo trật tự, an ninh, an toàn xã hội, an toàn giao thông và vệ sinh môi trường; đảm bảo các điều kiện phòng, chống cháy nổ;

c) Chủ địa điểm triển lãm chỉ được cho tổ chức triển lãm khi có giấy phép theo quy định tại khoản 1 Điều 13 hoặc sau khi đã đăng ký theo quy định tại Điều 14 Quy chế này.

2. Tổ chức, cá nhân đã đăng ký triển lãm hoặc đã được cấp giấy phép triển lãm có trách nhiệm:

a) Đảm bảo nội dung, hình thức trưng bày của triển lãm đúng với hồ sơ đã đăng ký hoặc giấy phép triển lãm đã được cấp;

b) Sau khi đăng ký hoặc được cấp giấy phép, muốn thay đổi về nội dung, thiết kế trưng bày, địa điểm, thời gian triển lãm, phải đề nghị bằng văn bản với cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã đăng ký hoặc cấp giấy phép và chỉ được thực hiện sự thay đổi khi được cơ quan đó đồng ý bằng văn bản;

c) Trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền đăng ký hoặc cấp giấy phép triển lãm cần duyệt nội dung triển lãm trước ngày khai mạc, tổ chức, cá nhân tổ chức triển lãm có trách nhiệm tạo điều kiện để cơ quan nhà nước có thẩm quyền duyệt chậm nhất là 5 ngày làm việc trước ngày khai mạc triển lãm.

Điều 16. Quy định đối với một số hoạt động có liên quan khi tổ chức triển lãm

Các hoạt động quảng cáo, họp báo, hoạt động văn hóa – nghệ thuật, thể thao, vui chơi giải trí trong triển lãm phải tuân theo các quy định của pháp luật về các hoạt động đó.

Chương 5.

TỔ CHỨC LỄ HỘI

Điều 17. Các lễ hội thuộc phạm vi điều chỉnh của Quy chế

1. Lễ hội quy định tại Quy chế này bao gồm: lễ hội dân gian, lễ hội lịch sử, cách mạng, lễ hội văn hóa, thể thao, du lịch và lễ hội có nguồn gốc từ nước ngoài tổ chức tại Việt Nam.

2. Lễ hội tôn giáo do tổ chức Giáo hội hoặc chức sắc chủ trì phải thực hiện theo quy định của pháp luật về hoạt động tôn giáo và những quy định có liên quan tại Quy chế này.

Điều 18. Thẩm quyền và thủ tục cấp giấy phép tổ chức lễ hội

1. Việc tổ chức các lễ hội quy định tại Điều 17 Quy chế này, nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây, phải được phép của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi tổ chức lễ hội:

a) Lễ hội được tổ chức lần đầu;

b) Lễ hội được khôi phục lại sau nhiều năm gián đoạn;

c) Lễ hội đã được tổ chức định kỳ nhưng có thay đổi nội dung, thời gian, địa điểm so với truyền thống;

d) Lễ hội có nguồn gốc từ nước ngoài do tổ chức nước ngoài hoặc tổ chức Việt Nam tổ chức.

2. Thủ tục cấp giấy phép tổ chức lễ hội: cơ quan, tổ chức muốn tổ chức lễ hội quy định tại khoản 1 Điều này phải gửi hồ sơ đề nghị cấp giấy phép tới Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch nơi tổ chức lễ hội trước ngày dự định khai mạc lễ hội ít nhất là 30 ngày làm việc.

a) Hồ sơ bao gồm:

- Đơn đề nghị cấp giấy phép tổ chức lễ hội (ghi rõ nội dung lễ hội hoặc nội dung thay đổi so với truyền thống, thời gian, địa điểm tổ chức, dự định thành lập Ban Tổ chức lễ hội và các điều kiện cần thiết để đảm bảo an ninh, trật tự trong lễ hội);

- Bản cam kết khi tổ chức lễ hội không vi phạm các quy định cấm tại Điều 3 Quy chế này.

b) Trong thời hạn 20 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch có trách nhiệm trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đề nghị của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, có trách nhiệm cấp giấy phép tổ chức lễ hội; trường hợp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phân cấp cho Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp giấy phép, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch có trách nhiệm cấp giấy phép trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ; trường hợp không cấp giấy phép phải trả lời bằng văn bản, nêu rõ lý do.

Điều 19. Các lễ hội không phải xin cấp giấy phép

Những lễ hội sau đây khi tổ chức không phải xin giấy phép, nhưng trước khi tổ chức phải báo cáo bằng văn bản với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo hướng dẫn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch:

1. Lệ hội dân gian đã được tổ chức thường xuyên, liên tục, định kỳ; lễ hội văn hóa du lịch;

2. Lệ hội quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều 18 Quy chế này được tổ chức từ lần thứ hai trở đi.

Điều 20. Trách nhiệm của người tổ chức lễ hội

Người tổ chức lễ hội phải thực hiện những quy định sau đây:

1. Thành lập Ban Tổ chức lễ hội.

2. Nghi thức lễ hội phải được tiến hành trang trọng theo truyền thống có sự hướng dẫn của cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa, thể thao và du lịch có thẩm quyền.

3. Trong khu vực lễ hội, cờ Tổ quốc phải treo ở nơi trang trọng, cao hơn cờ hội.

4. Việc tổ chức những trò chơi dân gian, hoạt động văn nghệ, thể thao trong khu vực lễ hội phải có nội dung bổ ích, lành mạnh, phù hợp với quy mô, tính chất, đặc điểm của lễ hội.

5. Nguồn thu từ công đức, từ thiện, tài trợ và nguồn thu khác thu được từ việc tổ chức lễ hội phải được quản lý và sử dụng theo đúng quy định của pháp luật.

Điều 21. Quy định đối với người đến dự lễ hội

Người đến dự lễ hội phải thực hiện nếp sống văn minh và quy định của Ban Tổ chức lễ hội.

Chương 6.

VIẾT, ĐẶT BIỂN HIỆU

Điều 22. Các hình thức biển hiệu

Việc viết, đặt, treo, dán, dựng, lắp biển hiệu, sau đây gọi chung là viết, đặt biển hiệu, tại trụ sở, nơi kinh doanh của tổ chức, cá nhân dưới các hình thức bảng, biển, hộp đèn, hệ thống đèn néon uốn chữ (neonsight) hoặc các hình thức khác, nhằm giới thiệu tên gọi, địa chỉ giao dịch của tổ chức, cá nhân Việt Nam, tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam không phải xin phép nhưng phải tuân theo những quy định tại Điều 23 Quy chế này.

Điều 23. Mỹ quan, chữ viết, vị trí và nội dung biển hiệu

1. Mỹ quan, chữ viết biển hiệu:

a) Biển hiệu phải bảo đảm mỹ quan;

b) Biển hiệu phải viết bằng chữ Việt Nam; trường hợp muốn thể hiện tên viết tắt, tên giao dịch quốc tế, tên, chữ nước ngoài phải ghi ở phía dưới, kích thước nhỏ hơn chữ Việt Nam.

2. Vị trí biển hiệu:

Biển hiệu chỉ được viết, đặt sát cổng, hoặc mặt trước của trụ sở hoặc nơi kinh doanh của tổ chức, cá nhân; mỗi cơ quan, tổ chức chỉ được viết, đặt một biển hiệu tại cổng; tại trụ sở hoặc nơi kinh doanh độc lập với tổ chức, cá nhân khác chỉ viết, đặt một biển hiệu ngang và không quá hai biển hiệu dọc.

3. Nội dung biển hiệu:

a) Tên cơ quan chủ quản trực tiếp (nếu có);

b) Tên gọi đầy đủ bằng chữ Việt Nam đúng với quyết định thành lập hoặc giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh do cơ quan có thẩm quyền cấp;

c) Loại hình doanh nghiệp hoặc hợp tác xã;

d) Ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh chính (đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ);

đ) Địa chỉ giao dịch, số điện thoại (nếu có);

e) Trên biển hiệu được thể hiện biểu tượng (logo) đã đăng ký với cơ quan có thẩm quyền, diện tích logo không quá 20% diện tích biển hiệu, không được thể hiện thông tin, hình ảnh quảng cáo cho bất cứ loại hàng hóa, dịch vụ nào.  

Chương 7.

HOẠT ĐỘNG VŨ TRƯỜNG

Điều 24. Điều kiện kinh doanh vũ trường  

Cơ sở lưu trú du lịch đã được xếp hạng sao hoặc hạng cao cấp, nhà văn hóa, trung tâm văn hóa có tư cách pháp nhân kinh doanh vũ trường phải có các điều kiện sau đây:

1. Phòng khiêu vũ trong vũ trường phải có diện tích từ 80m2 trở lên, cách trường học, bệnh viện, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, di tích lịch sử - văn hóa, cơ quan hành chính nhà nước từ 200m trở lên, đảm bảo các điều kiện về cách âm phòng chống cháy, nổ;

2. Người điều hành hoạt động trực tiếp tại phòng khiêu vũ phải có trình độ trung cấp chuyên ngành văn hóa, nghệ thuật trở lên;

3. Trang thiết bị, phương tiện hoạt động của phòng khiêu vũ đảm bảo tiêu chuẩn âm thanh, ánh sáng;

4. Phù hợp với quy hoạch về vũ trường của từng địa phương.

Điều 25. Thẩm quyền và thủ tục cấp giấy phép kinh doanh vũ trường

1. Nhà văn hóa, trung tâm văn hóa có tư cách pháp nhân có đủ điều kiện quy định tại Điều 24 Quy chế này muốn kinh doanh vũ trường phải đề nghị Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch sở tại cấp giấy phép kinh doanh.

2. Hồ sơ và thủ tục cấp giấy phép kinh doanh vũ trường:

a) Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép bao gồm:

- Đơn đề nghị cấp giấy phép kinh doanh vũ trường;

- Bản sao giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh có giá trị pháp lý;

- Bản sao giấy chứng nhận trình độ của người điều hành hoạt động trực tiếp tại phòng khiêu vũ.

b) Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch có trách nhiệm xem xét, kiểm tra điều kiện kinh doanh thực tế và cấp giấy phép; trường hợp không cấp giấy phép phải trả lời bằng văn bản, nêu rõ lý do.

Điều 26. Phạm vi kinh doanh vũ trường

Kinh doanh vũ trường chỉ được thực hiện tại cơ sở có đủ điều kiện quy định tại Điều 24 và được cấp giấy phép kinh doanh quy định tại khoản 1 Điều 25 Quy chế này.

Điều 27. Trách nhiệm của chủ kinh doanh vũ trường

Khi hoạt động kinh doanh vũ trường, chủ kinh doanh phải tuân theo các quy định sau đây:

1. Có nội dung hoạt động được niêm yết công khai ở vũ trường để mọi người dễ nhận biết và thực hiện; nội quy phải ghi rõ về thời gian hoạt động, độ tuổi và trang phục của người khiêu vũ, những quy định cấm đối với người ở trong vũ trường;

2. Đảm bảo ánh sáng trong phòng khiêu vũ trên 10 Lux tương đương 01 bóng đèn sợi đốt 40W cho 20m2;

3. Đảm bảo âm thanh vang ra ngoài phòng khiêu vũ không vượt quá quy định của Nhà nước về tiêu chuẩn mức ồn tối đa cho phép;

4. Chỉ sử dụng những bài hát, tác phẩm âm nhạc được phép lưu hành để khiêu vũ;

5. Khi phát hiện người say rượu, bia, người sử dụng các chất ma túy và các chất kích thích bị cấm sử dụng phải yêu cầu người đó ra khỏi vũ trường;

6. Không cho người dưới 18 tuổi làm việc hoặc vào khiêu vũ tại vũ trường;

7. Đảm bảo các điều kiện về an ninh, trật tự quy định tại Nghị định số 72/2009/NĐ-CP ngày 03 tháng 9 năm 2009 của Chính phủ;

8. Nếu sử dụng nhân viên phục vụ phải có hợp đồng lao động và được quản lý theo quy định của pháp luật về hợp đồng lao động;

9. Không được hoạt động sau 12 giờ đêm đến 8 giờ sáng, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 37 Quy chế này.

Điều 28. Hoạt động vũ trường không có mục đích kinh doanh

Cơ quan, tổ chức khi tổ chức khiêu vũ không có mục đích kinh doanh trong nội bộ cơ quan, tổ chức mình hoặc tổ chức khiêu vũ tại Nhà văn hóa không thuộc quy định tại khoản 1 Điều 25 Quy chế này thì không phải xin cấp giấy phép nhưng phải thực hiện quy định về nội dung hoạt động tại Điều 27, Điều 29 và các quy định khác có liên quan tại Quy chế này.

Điều 29. Quy định cấm trong hoạt động vũ trường

Nghiêm cấm các hành vi nhảy múa thoát y hoặc các hành vi khác có tính chất khiêu dâm, môi giới và mua bán dâm, mua, bán hoặc sử dụng ma túy tại vũ trường.

Chương 8.

HOẠT ĐỘNG KARAOKE

Điều 30. Điều kiện kinh doanh karaoke

1. Phòng karaoke phải có diện tích sử dụng từ 20m2 trở lên, không kể công trình phụ, đảm bảo điều kiện về cách âm, phòng, chống cháy nổ;

2. Cửa phòng karaoke phải là cửa kính không màu, bên ngoài nhìn thấy toàn bộ phòng;

3. Không được đặt khóa, chốt cửa bên trong hoặc đặt thiết bị báo động để đối phó với hoạt động kiểm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

4. Địa điểm hoạt động karaoke phải cách trường học, bệnh viện, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, di tích lịch sử - văn hóa, cơ quan hành chính nhà nước từ 200m trở lên;

5. Địa điểm hoạt động karaoke trong khu dân cư phải được sự đồng ý bằng văn bản của các hộ liền kề;

6. Phù hợp với quy hoạch về karaoke được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Điều 31. Thẩm quyền và thủ tục cấp giấy phép kinh doanh karaoke

1. Tổ chức, cá nhân kinh doanh karaoke ngoài cơ sở lưu trú du lịch đã được xếp hạng sao hoặc hạng cao cấp có đủ điều kiện quy định tại Điều 30 và các khoản 1 và 2 Điều 32 Quy chế này phải được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch hoặc cơ quan cấp huyện được phân cấp cấp giấy phép kinh doanh.

2. Hồ sơ và thủ tục cấp giấy phép kinh doanh karaoke:

a) Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép bao gồm:

- Đơn đề nghị cấp giấy phép kinh doanh karaoke trong đó ghi rõ địa điểm kinh doanh, số phòng, diện tích từng phòng;

- Bản sao giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh có giá trị pháp lý;

- Ý kiến bằng văn bản của các hộ liền kề.

b) Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch hoặc cơ quan cấp huyện được phân cấp có trách nhiệm cấp giấy phép kinh doanh; trường hợp không cấp giấy phép phải trả lời bằng văn bản, nêu rõ lý do.

Điều 32. Trách nhiệm của chủ cơ sở kinh doanh karaoke

Khi hoạt động kinh doanh karaoke, chủ cơ sở kinh doanh phải tuân thủ theo các quy định sau đây:

1. Đảm bảo ánh sáng trong phòng trên 10 Lux tương đương 01 bóng đèn sợi đốt 40W cho 20m2;

2. Đảm bảo âm thanh vang ra ngoài phòng karaoke không vượt quá quy định của Nhà nước về tiêu chuẩn mức ồn tối đa cho phép;

3. Chỉ được sử dụng bài hát đã được phép phổ biến; băng, đĩa đã dán nhãn kiểm soát theo quy định;

4. Không được bán rượu hoặc để cho khách uống rượu trong phòng karaoke;

5. Đảm bảo các điều kiện về an ninh, trật tự quy định tại Nghị định số 72/2009/NĐ-CP ngày 03 tháng 9 năm 2009 của Chính phủ;

6. Mỗi phòng karaoke chỉ được sử dụng một nhân viên phục vụ từ 18 tuổi trở lên; nếu nhân viên phục vụ là người làm thuê thì phải có hợp đồng lao động và được quản lý theo quy định của pháp luật về hợp đồng lao động;

7. Không được hoạt động sau 12 giờ đêm đến 8 giờ sáng, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 37 Quy chế này;

8. Các điểm karaoke hoạt động ở vùng dân cư không tập trung không phải thực hiện quy định về âm thanh tại khoản 2 nhưng phài thực hiện quy định tại các khoản 1, 3, 4, 5, 6 và 7 Điều này.

Điều 33. Hoạt động karaoke không có mục đích kinh doanh

1. Cơ quan, tổ chức hoạt động karaoke để đáp ứng nhu cầu nội bộ của cơ quan, tổ chức mình không phải xin cấp giấy phép nhưng khi hoạt động phải thực hiện quy định tại các khoản 2 và 3 Điều 32 Quy chế này và đảm bảo an ninh, trật tự.

2. Các cơ sở kinh doanh dịch vụ tổ chức hoạt động karaoke tại nơi kinh doanh để đáp ứng nhu cầu của nhân viên thuộc cơ sở mình thì không phài xin phép, nhưng phải riêng biệt với khu vực kinh doanh, phải thực hiện quy định tại các khoản 2 và 3 Điều 32 Quy chế này và đảm bảo an ninh, trật tự.

Điều 34. Quy định cấm trong hoạt động karaoke

Nghiêm cấm các hành vi khiêu dâm và mua bán dâm, mua bán, sử dụng ma túy tại phòng karaoke.

Chương 9.

HOẠT ĐỘNG TRÒ CHƠI ĐIỆN TỬ VÀ CÁC HÌNH THỨC VUI CHƠI KHÁC

Điều 35. Điều kiện và hoạt động kinh doanh trò chơi điện tử

1. Tổ chức, cá nhân kinh doanh trò chơi điện tử phải có các điều kiện sau:

a) Cửa hàng trò chơi điện tử phải cách các trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông từ 200m trở lên; bảo đảm trật tự, an toàn giao thông;

b) Trang thiết bị đảm bảo chất lượng âm thanh, hình ảnh; hình thức trang thiết bị phù hợp thẩm mỹ Việt Nam.

2. Khi hoạt động, tổ chức, cá nhân kinh doanh trò chơi điện tử phải tuân theo các quy định sau:

a) Nội dung trò chơi điện tử phải lành mạnh, không vi phạm các quy định cấm tại Điều 3 Quy chế này;

b) Không được hoạt động sau 10 giờ đêm đến 8 giờ sáng.

3. Nghiêm cấm tổ chức kinh doanh trò chơi điện tử có tính chất đánh bạc.

Điều 36. Quy định đối với các hoạt động vui chơi, dịch vụ giải trí khác

Tổ chức, cá nhân tổ chức hoạt động văn hóa, các hình thức vui chơi giải trí khác không thuộc quy định tại Chương VII, Chương VIII và Điều 35 Quy chế này tại nơi công cộng nhằm mục đích kinh doanh hoặc không nhằm mục đích kinh doanh phải tuân theo các quy định tại các Điều 1 và 3 Quy chế này và không được hoạt động quá 12 giờ đêm đến 8 giờ sáng.

Chương 10.

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 37. Quy định về hoạt động sau 12 giờ đêm

1. Quầy bar trong các cơ sở lưu trú du lịch được xếp hạng từ 3 sao trở lên hoặc hạng cao cấp được hoạt động sau 12 giờ đêm nhưng không quá 2 giờ sáng.

2. Vũ trường, phòng karaoke trong các cơ sở lưu trú du lịch được xếp hạng từ 4 sao trở lên hoặc hạng cao cấp được hoạt động sau 12 giờ đêm nhưng không quá 2 giờ sáng.

Điều 38. Quy định chuyển tiếp

Các vũ trường, nhà hàng karaoke không thuộc cơ sở lưu trú du lịch, đã được cấp giấy phép kinh doanh theo Nghị định số 11/2006/NĐ-CP ngày 18 tháng 01 năm 2006 của Chính phủ được tiếp tục hoạt động đến hết thời hạn được phép. Khi hết hạn, cơ sở kinh doanh muốn tiếp tục hoạt động phải xin phép theo quy định tại Quy chế này./.

Mời bạn đánh giá bài viết này!
Đặt câu hỏi
Báo giá vụ việc
Đặt lịch hẹn
Có thể bạn quan tâm?
Mẫu hợp đồng thuê nhà cơ bản
03:29 | 29/06/2021
Bạn đang định thuê nhà để kinh doanh? Bạn chưa rõ nên làm hợp đồng như nào cho phù hợp, đúng pháp luật? Hãy liên hệ Hilap để được tư vấn và hỗ trợ soạn thảo hợp đồng nhanh chóng, chính xác nhất.
Cho phép nhà chung cư được xây dựng diện tích tối thiểu 25m2
03:01 | 04/06/2021
Quy định về phòng chống dịch COVID-19 mới nhất, các mức xử phạt vi phạm hành chính
11:03 | 11/05/2021
Câu chuyện đốt pháo ngày Tết
05:37 | 09/02/2021
Bản tin pháp luật tuần này, ngoài những tin chính về pháp luật, chúng ta bàn về tình trạng đốt pháo ngày Tết, đang tiềm ẩn thảm họa khôn lường.
Cẩn trọng khi giao dịch vay tiền trực tuyến
10:33 | 06/12/2019
Quốc hội thông qua dự án Luật dân quân tự vệ sửa đổi
08:58 | 23/11/2019
Quốc hội thông qua Luật xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam
08:52 | 23/11/2019
Công bố 06 Nghị Quyết của UBTV Quốc hội
03:49 | 23/10/2019
Những đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Lao động 2012
03:39 | 23/10/2019
Đề xuất miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đến năm 2030
07:31 | 16/10/2019
Tìm kiếm
VD: đơn ly hôn ly hôn đơn phương tư vấn luật tư vấn pháp luật đơn khởi kiện công ty luật luật sư tư vấn
ĐOÀN LUẬT SƯ THÀNH PHỐ HÀ NỘI
CÔNG TY LUẬT TNHH QUỐC TẾ HỒNG THÁI VÀ ĐỒNG NGHIỆP
Trụ sở chính: 38-LK9, Tổng Cục 5, Tân Triều, Hà Nội (Cuối đường Chiến Thắng)
Địa chỉ chi nhánh: Số 26 Đoàn Thị Liên, phường Phú Lợi, TP. Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương
PNV – Địa chỉ: VP6 Linh Đàm, Phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội
Email: luathongthai38@gmail.com/phongdoanhnghiep.hilap@gmail.com
Hotline: 0962.893.900 / 0912.762.891
Đơn vị liên kết:
- Viện Kinh tế Công nghệ Việt nam
- Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Xuất Nhập khẩu HILAP
Tin nhiều người đọc
ThS. LS Nguyễn Thị Hồng Liên - Nữ luật sư tài ba, nhiệt huyết
Các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán theo quy định hiện hành
Một doanh nghiệp có thể thành lập tối đa bao nhiêu chi nhánh?
Thủ tục thành lập công ty TNHH hai thành viên trở lên theo quy định pháp luật hiện hành
Chuyển nhượng cổ phần lỗ có phải nộp thuế TNCN hay không?
NGHỊ ĐỊNH 70/2023/NĐ-CP THỦ TỤC CẤP GIẤY PHÉP LAO ĐỘNG CHO NGƯỜI LAO ĐỘNG NƯỚC NGOÀI
Kinh doanh quán nhậu có phải đăng ký kinh doanh hay không?
Hướng dẫn doanh nghiệp hiệu đính thông tin trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp
Văn bản, giấy tờ chứng minh là nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia, lao động kỹ thuật theo Nghị định 70/2023/NĐ-CP
[Mới] Vợ chồng có thể đồng thời là thành viên của Hội đồng thành viên trong Công ty TNHH 2TV trở lên?

Thống kê truy cập
Đang online : 200   Đã truy cập : 3,619,784
Điều kiện sử dụng thông tin | Bảo mật khách hàng
Copyright © HONG THAI INTERNATIONAL LAWFIRM AND PARTNERS 2014 - 2016. All rights reserved
Design and support by THANHNAM SOFTWARE