(MPI) - Ngày 16/8/2019,
Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thông tin chính thức về việc đánh
giá lại quy mô tổng sản phẩm trong nước (GDP). Hiện nay, Tổng cục Thống kê đang
tiến hành “đánh giá lại quy mô GDP”, đây là nhiệm vụ thường xuyên và định kỳ của
bất kỳ một cơ quan thống kê quốc gia nào trên thế giới. Đánh giá lại quy mô GDP
được thực hiện theo phương pháp sản xuất, vì vậy không phải là cách tính mới.
Đánh giá lại quy mô GDP
không phải là “cách tính mới”
Theo Tổng cục Thống kê,
Bộ Kế hoạch và Đầu tư, có 3 phương pháp dùng để biên soạn chỉ tiêu thống kê tổng
sản phẩm trong nước (GDP): phương pháp sản xuất, phương pháp sử dụng và phương
pháp thu nhập. Hiện nay, Tổng cục Thống kê đang sử dụng 3 phương pháp này trong
biên soạn GDP. Hằng quý, Tổng cục Thống kê dùng phương pháp sản xuất, phương
pháp sử dụng và 5 năm sử dụng phương pháp thu nhập.
Việc rà soát, đánh giá
lại quy mô GDP dựa trên phương pháp luận do cơ quan thống kê Liên hợp quốc khuyến
nghị, xuất phát từ có nguồn thông tin phản ánh đầy đủ kết quả sản xuất kinh
doanh của nền kinh tế, hoàn toàn không có sự thay đổi về phương pháp tính. Tổng
cục Thống kê khẳng định cách tính GDP của Việt Nam hiện nay theo đúng thông lệ
quốc tế.
Đây không phải là lần đầu
tiên Tổng cục Thống kê tiến hành đánh giá lại quy mô GDP của Việt Nam. Năm
2013, Tổng cục Thống kê đã thực hiện đánh giá lại quy mô GDP cho giai đoạn 2008
- 2012, trong đó tập trung đánh giá lại ngành ngân hàng, tài chính, bảo hiểm và
kinh doanh bất động sản (hoạt động nhà ở tự ở, tự có); thay đổi phân ngành kinh
tế từ Hệ thống phân ngành kinh tế quốc dân năm 1993 sang Hệ thống phân ngành kinh
tế Việt Nam năm 2007.
Đánh giá lại quy mô GDP
là nhiệm vụ cần thiết
Theo Tổng cục Thống kê,
việc đánh giá lại quy mô GDP nhằm đảm bảo theo thông lệ quốc tế. Trong quá
trình biên soạn chỉ tiêu GDP ở bất cứ quốc gia nào luôn có những vấn đề phát
sinh cần phải rà soát, đánh giá lại cả trong ngắn hạn và trong dài hạn. Cơ quan
Thống kê Liên hợp quốc đưa ra 3 vòng đánh giá lại số liệu GDP nhằm xử lý những
bất cập nảy sinh trong quá trình biên soạn số liệu. Vòng 1 và vòng 2 là những
đánh giá lại ngắn hạn và được các nước thực hiện thường xuyên trong quá trình
biên soạn GDP. Vòng 3 thực hiện điều chỉnh lớn, thường được triển khai khi có kết
quả các cuộc tổng điều tra.
Về nguồn thông tin đầu
vào phục vụ biên soạn chỉ tiêu GDP hằng năm chưa đầy đủ, theo Tổng cục Thống
kê, mặc dù nguồn thông tin thống kê của Việt Nam ngày càng được cải thiện, đáp ứng
yêu cầu tốt hơn nhưng vẫn chưa đầy đủ về thông tin đầu vào phục vụ biên soạn chỉ
tiêu GDP hằng năm. Sự phát triển mạnh mẽ của khu vực kinh tế ngoài nhà nước
chưa được phản ánh kịp thời và đầy đủ trong dữ liệu của các cơ quan quản lý nhà
nước có liên quan. Trong điều tra thống kê - nguồn thông tin chủ yếu và quan trọng
của cơ quan Thống kê, điều tra mẫu hằng năm có thể phản ánh được xu hướng phát
triển của từng ngành, từng lĩnh vực nhưng chưa phản ánh đầy đủ toàn diện về quy
mô giá trị tăng thêm của các ngành kinh tế và quy mô GDP toàn bộ nền kinh tế.
Phương pháp thu thập thông tin thống kê truyền thống và những hạn chế, bất cập
trong chia sẻ thông tin từ hồ sơ hành chính giữa các bộ, ngành và cơ quan quản
lý các cấp dẫn đến số liệu thống kê chưa phản ánh kịp thời sự thay đổi về quy
mô và tình hình kinh tế - xã hội hằng năm. Theo thông lệ thống kê quốc tế, khi
có nguồn thông tin đầy đủ, toàn diện từ các cuộc Tổng điều tra, từ hồ sơ hành
chính các cơ quan Thống kê quốc gia sẽ thực hiện đánh giá lại quy mô GDP.
Đánh giá lại quy mô GDP
lúc này là đúng thời điểm
GDP là chỉ tiêu kinh tế
vĩ mô quan trọng. Việc đánh giá lại quy mô GDP nhằm phản ánh xác thực quy mô,
năng lực của nền kinh tế, nâng cao vị thế kinh tế của đất nước trong khu vực và
trên thế giới. Vì vậy, việc đánh giá đúng quy mô và tốc độ tăng chỉ tiêu GDP của
toàn bộ nền kinh tế và GRDP của địa phương có ý nghĩa rất quan trọng, đảm bảo
tính đầy đủ về quy mô và so sánh quốc tế. Trong bối cảnh Việt Nam đang xây dựng
Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2021 - 2030 và Kế hoạch
phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025, việc đánh giá lại quy mô
GDP vào thời điểm này sẽ giúp đưa ra những định hướng đúng cho phát triển đất
nước trong 10 năm tới và cụ thể hóa cho giai đoạn 5 năm 2021 - 2025.
Kinh nghiệm quốc tế về
đánh giá lại quy mô GDP
Hầu hết các quốc gia có
năng lực thống kê tốt đều tiến hành rà soát, đánh giá lại quy mô GDP thường
xuyên và định kỳ. Từ năm 2010 đến nay, nhiều quốc gia như Mỹ, Trung Quốc,
Canada, Đức, Nga, Italia, Croatia, In-đô-nê-xi-a... đã tiến hành điều chỉnh,
công bố lại quy mô GDP và các chỉ tiêu vĩ mô khác có liên quan.
Cuối tháng 7 năm 2013,
Mỹ công bố kết quả đánh giá lại quy mô GDP năm 2012 tăng thêm 560 tỷ USD, tăng
3,6% so với số liệu đã công bố. Trung Quốc đã nhiều lần tiến hành đánh giá lại
quy mô GDP (năm 2004, năm 2008, năm 2013 và năm 2015), trong đó năm 2013 đã bổ
sung khoảng 305 tỷ USD vào quy mô GDP, tương đương tăng thêm 3,4%; năm 2015 tiếp
tục bổ sung 141 tỷ USD vào quy mô GDP, tương đương tăng thêm 1,3%. Năm 2013,
GDP của Nga được đánh giá lại tăng 24,3%; Đức tăng 3%; Italia tăng 7%. Năm
2014, GDP của Bulgari đánh giá lại tăng 31,2%; Rumani và Croatia tăng 28,4%...
Ngoài ra, một số quốc
gia khác cũng tiến hành cập nhật phương pháp luận tài khoản quốc gia 2008 (SNA
2008) theo khuyến nghị cơ quan Thống kê Liên hợp quốc và đánh giá lại quy mô
GDP giá hiện hành cũng thay đổi đáng kể như: Ghana tăng 60%; Nigeria tăng
59,5%; Maldive tăng 37%; Kenya tăng 25%; Malaysia tăng 3,2%…
Việc đánh giá lại quy
mô GDP được thực hiện theo ba nguyên tắc, đảm bảo tính toàn diện. Đánh giá lại
quy mô GDP phải đảm bảo đầy đủ phạm vi của tất cả các ngành trong nền kinh tế.
Đảm bảo tính thống nhất quy trình và phương pháp tính. Việc rà soát, đánh giá lại
quy mô GDP phải theo quy trình chặt chẽ, khoa học, khách quan và thống nhất, đồng
thời đảm bảo phương pháp tính theo đúng thông lệ quốc tế. Đồng thời, đảm bảo
tính lịch sử và tính so sánh. Thực hiện đánh giá lại quy mô GDP phải đảm bảo
tính lịch sử, phản ánh đúng và rõ hiện trạng, đặc điểm kinh tế - xã hội của từng
năm, từng giai đoạn; thống nhất về lý luận và thực tiễn, đảm bảo sự nhất quán
trong so sánh theo chuỗi thời gian và không gian.
Thực hiện đánh giá lại
quy mô GDP chỉ xem xét, rà soát các hoạt động kinh tế thuộc phạm vi sản xuất
theo quy định của Việt Nam, không đề cập tới các hoạt động kinh tế ngầm và kinh
tế bất hợp pháp.
Nguồn thông tin sử dụng
đánh giá lại quy mô GDP
Thông tin thống kê sử dụng
để đánh giá lại quy mô GDP của Việt Nam chủ yếu dựa vào Tổng điều tra (TĐT) và
hồ sơ hành chính của các bộ, ngành, địa phương. Trong giai đoạn 2010-2017, Tổng
cục Thống kê thực hiện TĐT nông thôn, nông nghiệp và thủy sản năm 2011 và năm
2016, TĐT kinh tế năm 2012 và năm 2017. Đồng thời, công tác chia sẻ thông tin
giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) với các bộ, ngành ngày càng tốt
hơn đã giúp thu thập được thông tin từ nguồn dữ liệu hành chính của các bộ,
ngành.
Đánh giá lại GDP được
thực hiện theo quy trình: (1) Biên soạn lại chỉ tiêu giá trị sản xuất; (2) Rà
soát, hoàn thiện hệ thống chỉ số giá; (3) Cập nhật hệ số chi phí trung gian;
(4) Biên soạn lại chỉ tiêu GDP theo giá trị sản xuất, hệ thống chỉ số giá và hệ
số chi phí trung gian đã thực hiện trong 3 bước trên; (5) Tính toán lại các chỉ
tiêu kinh tế vĩ mô có liên quan; so sánh, đánh giá kết quả đánh giá lại với số
liệu GDP và các chỉ tiêu vĩ mô đã công bố; báo cáo giải trình kết quả và kiến
nghị.
Mỗi công đoạn trong quy
trình tổng thể đều được thực hiện các bước cụ thể: rà soát, đánh giá lại thông
tin đầu vào; cập nhật các chỉ tiêu đầu vào; biên soạn lại các chỉ tiêu đầu ra;
kiểm tra, so sánh dãy số liệu với số liệu đã công bố; tổng hợp kết quả và giải
trình.
Thực hiện rà soát, đánh
giá lại quy mô GDP của Việt Nam đã nhận diện 5 nhóm nguyên nhân chủ yếu dẫn đến
thay đổi quy mô GDP. Trong đó, có 4 nhóm nguyên nhân làm tăng quy mô GDP và 1
nhóm nguyên nhân làm giảm quy mô GDP. Cụ thể: (1) Bổ sung thông tin từ tổng điều
tra; (2) Bổ sung thông tin từ hồ sơ hành chính; (3) Cập nhật lý luận mới hệ thống
tài khoản quốc gia 2008; (4) Rà soát, cập nhật lại phân ngành kinh tế; (5) Cập
nhật cơ cấu kinh tế làm thay đổi hệ số chi phí trung gian và chỉ số giá của cả
nước (làm quy mô GDP giảm).
Trong quá trình đánh
giá lại quy mô GDP, Tổng cục Thống kê đã làm việc với Đoàn chuyên gia của Quỹ
tiền tệ quốc tế (IMF), tham vấn ý kiến của chuyên gia thống kê Liên hợp quốc để
tiếp tục rà soát nguồn thông tin và xem xét đánh giá lại quy mô GDP. Các ý kiến
của chuyên gia và tổ chức quốc tế đều thống nhất tính đầy đủ và kịp thời của
các chỉ tiêu thống kê tài khoản quốc gia rất quan trọng cho việc hoạch định
chính sách. GDP là chỉ tiêu quan trọng được sử dụng ở nhiều quốc gia bởi các
nhà hoạch định chính sách và các bên liên quan trong việc đánh giá hiệu quả của
nền kinh tế. GDP cũng được sử dụng để so sánh quốc tế và là mẫu số trong tính
toán các tỷ lệ đòn bẩy và tài chính quan trọng, chẳng hạn như chỉ số nợ công so
với GDP.
Tổng cục Thống kê đánh
giá lại quy mô GDP là hoàn toàn phù hợp với thông lệ thống kê quốc tế. Tổng cục
Thống kê đã tiến hành rất nhiều cuộc điều tra về các hoạt động kinh tế, hộ gia
đình để đảm bảo các hoạt động, đặc biệt là các hoạt động mới xuất hiện, các hoạt
động sản xuất kinh doanh vừa và nhỏ được nắm bắt và rà soát trong đợt điều chỉnh
lần này.
Bên cạnh đó, Tổng cục
Thống kê đã cố gắng cải thiện hoạt động thống kê nhằm nâng cao mức độ bao phủ
toàn bộ các hoạt động trong nền kinh tế. Để mở rộng cơ sở dữ liệu tính toán, Tổng
cục Thống kê đã ký Quy chế Hợp tác chia sẻ thông tin với 10 bộ, ngành liên
quan. Đây là một nỗ lực rất đáng ghi nhận của Tổng cục Thống kê vì đã tăng cường
sử dụng thông tin từ các cơ quan Chính phủ khác và mở rộng phạm vi Tổng điều
tra Kinh tế nhằm bao phủ nhiều doanh nghiệp hơn. Ngoài ra, có một số sửa đổi do
việc áp dụng theo chuẩn mực SNA 2008. Đoàn công tác của IMF ghi nhận rằng các sửa
đổi này tuân theo những khuyến nghị của các Đoàn công tác trước đây trong việc
tăng cường hợp tác giữa các cơ quan và triển khai SNA 2008 với việc tính toán
hoạt động nghiên cứu và phát triển, phần mềm trong tổng tích luỹ tài sản cố định.
Sau khi đánh giá lại
quy mô GDP, số liệu thống kê của Việt Nam sẽ tốt hơn, cung cấp một bức tranh tổng
thể sát thực hơn, rõ ràng hơn về những gì đang diễn ra trong nền kinh tế và trở
thành thông tin đầu vào hữu ích cho Chính phủ, các nhà đầu tư và người dùng
tin.
Điều đặc biệt quan trọng
là giúp người dùng tin hiểu được lý do của việc đánh giá lại quy mô GDP, đây là
công việc bình thường cần làm trong biên soạn tài khoản quốc gia và Tổng cục Thống
kê cần có kế hoạch cho việc đánh giá lại quy mô GDP, trong đó việc sửa đổi, điều
chỉnh phải minh bạch và có thời hạn cụ thể để người sử dụng thông tin biết.
Tác động của đánh giá lại
quy mô GDP
Theo Tổng cục Thống kê,
kết quả đánh giá lại quy mô GDP tác động đến các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô của nền
kinh tế. Tạo ra mức tăng đáng kể trong tổng giá trị GDP và GDP bình quân đầu
người, từ đó tác động đến định hướng phát triển kinh tế - xã hội trong các giai
đoạn tiếp theo. Sự gia tăng GDP bình quân đầu người có thể dẫn đến sự thay đổi
trong mô hình tiêu dùng hộ gia đình do ước tính mức sống cao hơn hoặc đạt nhanh
hơn đến mức quốc gia có thu nhập trung bình cao.
Việc đánh giá lại quy
mô GDP sẽ không tác động đến mục tiêu tăng trưởng GDP trong kế hoạch và chiến
lược phát triển kinh tế - xã hội do tốc độ tăng trưởng kinh tế qua các năm có sự
thay đổi rất nhỏ. Tuy nhiên, việc đánh giá lại quy mô GDP làm thay đổi cơ cấu
GDP: tăng tỷ trọng khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ; giảm tỷ trọng khu
vực nông, lâm nghiệp và thủy sản. Các chỉ tiêu chất lượng tăng trưởng được cải
thiện, tuy nhiên mức thay đổi không lớn.
Phản ánh số liệu thấp
hơn đối với nhiều chỉ tiêu tài chính/tài khóa: tỷ lệ thu ngân sách nhà nước so
với GDP; tỷ lệ thuế so với GDP; tỷ lệ chi ngân sách nhà nước so với GDP; tỷ lệ
bội chi ngân sách nhà nước so với GDP; tỷ lệ nợ công, nợ chính phủ và nợ nước
ngoài so với GDP. Sự thay đổi có thể cho thấy khả năng mở rộng dư địa cho thu
ngân sách và thuế, cũng như chi tiêu và vay của Chính phủ. Tuy nhiên, khả năng
tác động là thấp vì trong thực tế thu ngân sách và thuế dựa trên thu thuế/phí,
các tỷ lệ thu liên quan và được quy định bởi các văn bản pháp luật. Quy mô GDP
và GDP bình quân đầu người tăng lên có thể làm tăng đóng góp của Việt Nam cho
các tổ chức quốc tế mà hiện nay Việt Nam đang là thành viên./.
Theo Minh Hậu
Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Luật Hồng Thái, chuyên tư vấn thực hiện các thủ tục về đầu tư nước ngoài, cụ thể:
- Đăng ký thành lập doanh nghiệp;
- Tư vấn thủ tục thành lập, thủ tục điều chỉnh dự án đầu tư;
- Tư vấn thực hiện thủ tục đầu tư trực tiếp, đầu tư thông qua hợp đồng hợp tác đầu tư;
- Tư vấn đầu tư ra nước ngoài,....
CÔNG TY LUẬT TNHH QUỐC TẾ HỒNG THÁI VÀ ĐỒNG NGHIỆP
TRÂN TRỌNG!
Hy vọng rằng sự tư vấn của chúng tôi sẽ giúp bạn lựa chọn phương án thích hợp nhất để giải quyết những vướng mắc của bạn. Nếu còn bất cứ thắc mắc gì liên quan đến sự việc bạn có thể liên hệ với các Luật sư chuyên gia của Công ty Luật TNHH Quốc tế Hồng Thái và Đồng Nghiệp qua Tổng đài tư vấn pháp luật 19006248 hoặc E-mail: luathongthai@gmail.com
Trụ sở chính: LK9-38 Tổng cục 5, Tân Triều, Hà Nội (cuối đường Chiến Thắng, Thanh Xuân).
Phạm Trang
Bạn cũng có thể tham khảo thêm thông tin các dịch vụ tư vấn của chúng tôi:
- Dịch vụ tư vấn pháp luật dân sự trực tuyến qua tổng đài điện thoại 1900.6248
- Dịch vụ tư vấn pháp luật Hình sự qua tổng đài điện thoại 1900.6248
- Dịch vụ tư vấn pháp luật Đất đai qua tổng đài điện thoại 1900.6248
- Dịch vụ tư vấn lao động trực tuyến qua tổng đài điện thoại 1900.6248
- Dịch vụ tư vấn Hôn nhân và gia đình trực tuyến qua tổng đài điện thoại 1900.6248
- Dịch vụ tư vấn Doanh nghiệp trực tuyến qua tổng đài điện thoại 1900.6248
- Dịch vụ tư vấn Sở hữu trí tuệ trực tuyến qua tổng đài điện thoại 1900.6248
- Dich vụ tư vấn pháp luật Thuế trực tuyến qua tổng đài điện thoại 1900.6248
- Dịch vụ tư vấn pháp luật Hành chính trực tuyến qua tổng đài điện thoại 1900.6248
Trân trọng cảm ơn!
Bạn cũng có thể tham khảo các bài viết khác có nội dung liên quan:
Các pháp nhân phi thương mại Khác so với pháp nhân thương mại có mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhậu thì pháp nhân phi thương mại... |
Thành lập doanh nghiệp năm 2019 Bạn muốn bắt đầu hoạt động kinh doanh? Bạn muốn thành lập thêm doanh nghiệp/công ty để phục vụ hoạt... |
Thủ tục thành lập chi nhánh công ty TNHH Chi nhánh là một phần của công ty, mặc dù được phép tiến hành hoạt động kinh doanh, được xuất hóa... |
Thời hạn sử dụng mẫu dấu của công ty là bao lâu? Rất nhiều doanh nghiệp hiện nay đang băn khoăn trong việc thay đổi mẫu dấu, con dấu của công ty... |