Giám đốc vay hàng tỷ đồng
Mới đây, Tuổi trẻ và Pháp luật nhận được thông tin từ bà Phan Thị Điều (SN 1974, trú tại thôn Đông, xã Hữu Bằng huyện Thạch Thất, TP Hà Nội) phản ánh về việc bà Vũ Thị Xiêm - Giám đốc trung tâm dạy nghề tư thục nhân đạo Minh Tâm (xã Dị Nậu, huyện Thạch Thất, TP Hà Nội) đã lợi dụng chức vụ giám đốc để vay tiền người dân rồi sau đó quỵt nợ.
Cụ thể, bà Vũ Thị Xiêm đã vận động bà Phan Thị Điều cùng góp vốn để mua rừng làm dự án xây dựng trung tâm. Bà Xiêm hứa hẹn nếu được cấp sổ đỏ thì Hội Bảo trợ Lao động Thương binh Xã hội sẽ đầu tư xây dựng trung tâm khang trang hơn, giúp các cháu khuyết tật đỡ vất vả hơn.
Trong hợp đồng vay tiền, bà Xiêm dùng con dấu của Trung tâm để xác nhận
Nguồn ảnh: Báo điện tử Tuổi trẻ và pháp luật
Tin bà Xiêm, bà Điều đã nhiều lần cho bà Xiêm vay tiền. Ngày 8/10/2011 bà Điều ký hợp đồng làm cổ đông với trung tâm dạy nghề tư thục nhân đạo Minh Tâm. Người đại diện là bà Vũ Thị Xiêm giám đốc trung tâm đã dùng con dấu của trung tâm xác nhận bà Điều và bà Bùi Thị Phương (thôn Phú Nghĩa xã Phú Kim, huyện Thạch Thất, Hà Nội) cùng góp vốn mua rừng với tổng số tiền là 7 tỷ đồng, các cổ đông góp vốn bằng nhau và hưởng quyền lợi như nhau. Bên cạnh đó, 3 người là bà Điều, bà Phương cùng bà Xiêm ký một biên bản thống nhất thực hiện theo nội dung biên bản này. Tuy nhiên, sau 6 đợt đóng góp, số tiền bà Điều đưa cho bà Xiêm đã lên tới 4,375 tỷ đồng.
Chưa dừng lại ở đó, bà Xiêm còn lấy chức danh Giám đốc trung tâm tâm dạy nghề tư thục nhân đạo Minh Tâm tiếp tục vay tiền của bà Chu Thị Nhã và ông Mai tổng số tiền lên đến 12,52 tỷ đồng.
Bà Bùi Thị Phương tố cáo Giám đốc trung tâm dạy nghề tư thục nhân đạo Minh Tâm
lấy danh nghĩa trung tâm để vay tiền rồi quỵt nợ
Nguồn ảnh: Báo điện tử Tuổi trẻ và pháp luật
Còn anh Nguyễn Xuân Biết (trú tại thôn Phú Nghĩa, xã Phú Kim, huyện Thạch Thất) cũng tố cáo bà xiêm đã lợi dụng con dấu của trung tâm để vay anh 3,146 tỷ đồng với lời hứa sẽ trả lãi và gốc trong vòng hai tháng. Anh Biết đã đưa cả sổ đỏ thửa đất của gia đình mình đang ở cho bà Xiêm tiếp tục cầm vay vốn ngân hàng. Hiện gia đình anh Nguyễn Xuân Biết không còn khả năng trả gốc và lãi, đứng trước nguy cơ bị mất nhà.
Đáng nói, những người cho vay tiền đã làm đơn tố cáo bà Xiêm từ năm 2011 đến nay nhưng chưa có một cơ quan chức năng nào vào cuộc làm rõ vụ việc trên.
Nhận rồi lại chối bay
Năm 2013, sau khi hàng chục người mang theo băng rôn, biểu ngữ, loa đài kéo tới Trung tâm dạy nghề tư thục nhân đạo Minh Tâm để yêu cầu bà Giám đốc Vũ Thị Xiêm trả số nợ lên tới hàng chục tỷ đồng, bà Vũ Thị Xiêm đã thừa nhận có vay nợ của một số người song do “tình hình kinh tế khó khăn chung” nên chưa có khả năng trả nợ.
Thế nhưng tại buổi làm việc với báo chí mới đây, bà Xiêm lại cho rằng những hợp đồng vay tiền mà người dân đưa ra, bà chưa được nhận tiền. Bà Xiêm nói mình đã nhẹ dạ nên ký và đóng dấu vào hợp đồng, sau đó dù chưa được vay tiền nhưng bà không thu hồi lại.
Trước đó, Phó chủ tịch UBND huyện Thạch Thất cho biết, Trung tâm dạy nghề tư thục nhân đạo Minh Tâm chỉ có chức năng, nhiệm vụ dạy nghề chứ không được phép kinh doanh, mua rừng.
Vị này cũng khẳng định, không có chuyện một trung tâm dạy nghề nhân đạo lại đi vay vốn để phục vụ mục đích dạy nghề cho người khuyết tật.
Được biết, Trung tâm dạy nghề tư thục nhân đạo Minh Tâm được thành lập theo quyết định của UBND huyện Thạch Thất. Theo Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động do Sở Lao động Thương binh Xã hội TP Hà Nội cấp năm 2012, trung tâm này chỉ được phép đào tạo sơ cấp 5 nghề, không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, nên theo luật định trung tâm không được vay vốn để phục vụ cho mục đích kinh doanh.
Các chương trình đào tạo giảng dạy cho người khuyết tật đều phải lập dự án và được cấp có thẩm quyền phê duyệt.