Kính
gửi:
|
- Các Tòa án nhân dân và Tòa án
quân sự;
- Các đơn vị thuộc Tòa án nhân dân tối cao.
|
Ngày
09-01-2019, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã tổ chức buổi giải đáp
trực tuyến toàn quốc về một số vướng mắc trong quá trình giải quyết các vụ án
hình sự, dân sự và hành chính. Trên cơ sở các ý kiến phản ánh vướng mắc và giải
đáp của Hội đồng Thẩm phán, Tòa án nhân dân tối cao thông báo kết quả giải đáp
vướng mắc như sau:
I. Về hình sự
1. Tình tiết “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự”
quy định tại khoản 1 Điều 63 của Bộ luật Hình
sự được hiểu như thế nào?
Theo quy
định tại điểm c khoản 3 Điều 40 của Bộ luật Hình sự thì
không thi hành án tử hình đối với người bị kết án tử hình về tội tham ô tài
sản, tội nhận hối lộ nếu sau khi bị kết án đã nộp lại ít nhất ba phần tư
tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng
trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn. Tuy nhiên,
đối với trường hợp bị áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ, tù có thời hạn
hoặc tù chung thân là loại hình phạt nhẹ hơn so với hình phạt tử hình, nên “đã
bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” quy định tại khoản
1 Điều 63 của Bộ luật Hình sự được hiểu là đã bồi thường được ít nhất
một phần hai nghĩa vụ dân sự theo bản án, quyết định của Tòa án. Trường
hợp, người bị kết án bồi thường được ít hơn một phần hai nghĩa vụ dân sự theo
bản án, quyết định của Tòa án nhưng có văn bản miễn giảm một phần nghĩa vụ dân
sự hoặc có thỏa thuận khác của phía bị hại (có xác nhận của cơ quan có thẩm
quyền) thể hiện người bị kết án đã bồi thường được một phần hai nghĩa vụ dân sự
thì cũng được coi là “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự”.
2. Tình tiết “chứa mại dâm 04 người trở lên” quy định tại
điểm d khoản 2 Điều 327 và “đối với 02
người trở lên” quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 328 của Bộ
luật Hình sự được hiếu như thế nào (người bán
dâm hay bao gồm cả người mua dâm)?
Theo Từ
điển Tiếng Việt thì “mại” là “bán”, “mãi” là “mua” và “chứa mại dâm” là “chứa
bán dâm”. Như vậy, tình tiết định khung tăng nặng “chứa mại dâm 04 người trở
lên” quy định tại điểm d khoản 2 Điều 327 và “đối với
02 người trở lên” quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 328 của
Bộ luật Hình sự được hiểu là đối với người bán dâm. Cách hiểu này là phù
hợp với các tình tiết định khung tăng nặng khác quy định tại tại Điều
327 và Điều 328 của Bộ luật Hình sự, đồng thời cũng phù hợp với thực tiễn
xử lý đối với hành vi chứa mại dâm mà có 01 người bán dâm với 03 người mua dâm
trong cùng một khoảng thời gian thì bị xử lý theo quy định tại khoản 1 của điều
luật này nếu không có tình tiết định khung tăng nặng.
3. Trường hợp một người thực hiện nhiều lần cùng loại hành
vi xâm phạm sở hữu, nhưng mỗi lần trị giá tài sản bị xâm phạm dưới mức tối
thiểu để truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự và
không thuộc một trong các trường hợp khác để truy cứu trách nhiệm hình sự, đồng
thời trong các hành vi xâm phạm đó chưa có lần nào bị xử phạt hành chính và
chưa hết thời hiệu xử phạt hành chính, nếu tổng trị giá tài sản của các lần bị
xâm phạm bằng hoặc trên mức tối thiểu để truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy
định của Bộ luật Hình sự thì có xử lý về hình sự hay không?
Bộ luật
Hình sự năm 2015 đã có nhiều quy định kế thừa quy định của Bộ luật Hình sự năm
1999 về việc lấy trị giá tài sản bị chiếm đoạt làm căn cứ để xử lý trách nhiệm
hình sự. Trước đây, nội dung này đã được hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số
02/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP ngày 25-12-2001 hướng dẫn áp dụng một số
quy định tại Chương XIV của Bộ luật Hình sự năm 1999.
Hiện
nay, chưa có Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng
dẫn quy định này của Bộ luật Hình sự năm 2015. Tuy nhiên, vận dụng Thông tư
liên tịch số 02 này thì trường hợp một người thực hiện nhiều lần cùng loại hành
vi xâm phạm sở hữu, nhưng mỗi lần trị giá tài sản bị xâm phạm dưới mức tối
thiểu để truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự và
không thuộc một trong các trường hợp khác để truy cứu trách nhiệm hình sự, đồng
thời trong các hành vi xâm phạm đó chưa có lần nào bị xử phạt hành chính và
chưa hết thời hiệu xử phạt hành chính, nếu tổng trị giá tài sản của các lần bị
xâm phạm bằng hoặc trên mức tối thiểu để truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy
định của Bộ luật Hình sự, thì người thực hiện nhiều lần cùng loại hành vi xâm
phạm sở hữu phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm tương ứng theo
tổng trị giá tài sản của các lần bị xâm phạm, nếu các hành vi xâm phạm sở hữu được
thực hiện một cách liên tục, kế tiếp nhau về mặt thời gian.
4. Trường hợp một người thực hiện nhiều lần cùng loại hành
vi phạm tội xâm phạm sở hữu, mà trị giá tài sản của các lần phạm tội đã được
cộng lại để xử lý trách nhiệm hình sự theo khung tăng nặng, thì họ có bị áp
dụng thêm tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “phạm tội 02 lần trở lên” hay
không?
Trường
hợp một người thực hiện nhiều lần cùng một loại hành vi phạm tội xâm phạm sở
hữu (ví dụ: nhiều lần phạm tội trộm cắp tài sản), mà tổng trị giá tài sản của
các lần phạm tội thỏa mãn dấu hiệu định khung tăng nặng, nếu các lần phạm tội
đều chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự và chưa hết thời hiệu truy cứu trách
nhiệm hình sự, thì ngoài việc bị áp dụng khung hình phạt tương ứng với trị giá
tài sản chiếm đoạt, họ còn bị áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự
“phạm tội 02 lần trở lên” quy định tại điểm g khoản 1 Điều 52
của Bộ luật Hình sự.
Việc áp
dụng khung hình phạt tăng nặng trong trường hợp này là căn cứ vào trị giá tài
sản chiếm đoạt, còn việc áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “phạm
tội 02 lần trở lên” là căn cứ vào nhân thân và thái độ chấp hành pháp luật của
người phạm tội, nên hoàn toàn không trái với quy định tại khoản
2 Điều 52 của Bộ luật Hình sự (các tình tiết đã được Bộ luật Hình sự quy
định là dấu hiệu định tội hoặc định khung hình phạt thì không được coi là tình
tiết tăng nặng). Hơn nữa, việc áp dụng pháp luật như trên còn bảo đảm thực hiện
đúng nguyên tắc xử lý trách nhiệm hình sự (quy định tại Điều 3
của Bộ luật Hình sự), bảo đảm sự phân hóa tội phạm, cá thể hóa trách nhiệm
hình sự, đồng thời bảo đảm sự công bằng trong việc xem xét cho hưởng án treo,
tha tù trước thời hạn có điều kiện cũng như các chế định nhân đạo khác đối với
người phạm tội.
Ví dụ:
Một người trộm cắp 02 lần mỗi lần 2.000.000 đồng. Do thuộc trường hợp “phạm tội
02 lần trở lên” quy định tại điểm g khoản 1 Điều 52 của Bộ luật
Hình sự nên theo quy định tại Điều 65 của Bộ luật Hình sự
và hướng dẫn tại Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP thì họ không được hưởng án treo.
Tuy nhiên, giả sử hai lần trộm cắp đó có tổng trị giá tài sản là 50.000.000
đồng, nếu Tòa án chỉ căn cứ vào trị giá tài sản để áp dụng tình tiết định khung
“chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng”, mà
không căn cứ vào nhân thân và thái độ chấp hành pháp luật của người phạm tội để
áp dụng tình tiết “phạm tội 02 lần trở lên” thì họ vẫn có thể được hưởng án
treo. Việc áp dụng như vậy sẽ không bảo đảm nguyên tắc công bằng và phù hợp
trong việc xử lý.
5. Khi xem xét, áp dụng tình tiết định khung “sử dụng mạng
internet, mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội” quy
định tại điểm c khoản 2 Điều 321 và điểm c
khoản 2 Điều 322 của Bộ luật Hình sự ngoài việc chứng
minh, làm rõ các bị cáo sử dụng trang mạng đánh bạc trực tuyến không được phép
hoạt động trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội Việt Nam để đánh bạc thì có phải
chứng minh các bị cáo nhận, trả tiền thắng, thua bạc qua tài khoản mạng hay
không?
Khi xem
xét, áp dụng tình tiết định khung tăng nặng quy định tại điểm c
khoản 2 Điều 321 và điểm c khoản 2 Điều 322 của Bộ luật Hình sự thì chỉ cần
chứng minh các bị cáo sử dụng trang mạng đánh bạc trực tuyến không được phép
hoạt động trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội Việt Nam để đánh bạc là đã đủ điều
kiện để áp dụng tình tiết định khung tăng nặng này. Việc chứng minh các bị cáo
nhận, trả tiền thắng, thua bạc bằng phương thức nào chỉ nhằm làm sáng tỏ các
tình tiết khác của vụ án.
6. Trường hợp người vay sử dụng vốn vay không đúng mục đích
vay vốn, tức là dùng vốn vay với mục đích ban đầu là đầu tư, kinh doanh, sản
xuất nhưng sau đó tiêu xài, xây nhà cửa, mua sắm đồ dùng, phương tiện đi lại
dẫn đến không trả được nợ thì có được coi là “sử dụng tài sản vào mục đích bất
hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản” và có bị xử lý trách nhiệm
hình sự về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo quy định tại
Điều 175 của Bộ luật Hình sự năm 2015 không?
Theo quy
định tại điểm a khoản 1 Điều 175 của Bộ luật Hình sự năm 2015
thì: “Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của
người khác bằng hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để
chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù cỏ điều kiện,
khả năng nhưng cố tình không trả”. So với quy định tại điểm
a khoản 1 Điều 140 của Bộ luật Hình sự năm 1999, điểm a
khoản 1 Điều 175 của Bộ luật Hình sự năm 2015 đã bổ sung thêm tình tiết “đến
thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả”.
Như vậy, người vay sử dụng vốn vay không đúng mục đích xin vay vốn nhưng không
sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp (buôn lậu, rửa tiền, sản xuất,
buôn bán ma túy...) mà dùng vốn vay để tiêu xài, xây nhà cửa, mua sắm đồ dùng,
phương tiện đi lại...) dẫn đến khi đến hạn họ không có điều kiện, khả năng trả
nợ thì không coi là sử dụng tài sản vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có
khả năng trả lại tài sản để xử lý trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, trường hợp
đến thời hạn trả lại tài sản mà họ có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả
(có nhà, đất đai, tài sản nhưng chây ì, tẩu tán hoặc có hành vi chống đối lại việc
kê biên, thu hồi tài sản...) thì bị xử lí trách nhiệm hình sự theo quy định tại
Điều 175 của Bộ luật Hình sự năm 2015.
7. Người chấp hành án đã chấp hành xong hình phạt tù, đã đủ
thời gian được xem là đương nhiên được xóa án tích theo quy định tại
Điều 70 của Bộ luật Hình sự nhưng
chưa thi hành hình phạt bổ sung, chưa nộp tiền án phí hình sự sơ thẩm và các
quyết định khác của bản án do không nhận được thông báo và quyết định thi hành
án của Cơ quan thi hành án dân sự. Trường hợp này có được đương nhiên xóa án
tích không?
Điều 70 của Bộ luật Hình sự quy định về các điều kiện đương
nhiên được xóa án tích, trong đó có điều kiện: người bị kết án nếu từ khi chấp
hành xong hình phạt chính hoặc hết thời gian thử thách của án treo, người đó đã
chấp hành xong hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án. Như vậy, Bộ
luật Hình sự không quy định trường hợp loại trừ việc người bị kết án chưa chấp
xong hành hình phạt bổ sung và các quyết định khác của bản án với bất kỳ lý do
gì. Hơn nữa, pháp luật thi hành án dân sự quy định nhiều phương thức thi hành để
người phải thi hành án có quyền lựa chọn như: tự nguyện thi hành, thỏa thuận
thi hành án hoặc nhờ thân nhân nộp thay.
Do vậy,
trường hợp người bị kết án (sau này là bị can, bị cáo trong một vụ án mới)
không nhận được thông báo và quyết định thi hành án của Cơ quan thi hành án dân
sự nên chưa thi hành hình phạt bổ sung, chưa nộp tiền án phí hình sự sơ thẩm và
các quyết định khác của bản án là chưa chấp hành xong hình phạt bổ sung và các
quyết định khác của bản án. Trong trường hợp này, người bị kết án không đương
nhiên được xóa án tích theo quy định tại Điều 70 của Bộ luật
Hình sự.
8. Trường hợp người thực hiện hành vi phạm tội trước không
bị truy cứu trách nhiệm hình sự do chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự thì “người
tiêu thụ tài sản biết rõ là do người khác phạm tội mà có” có bị truy cứu trách
nhiệm hình sự về tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà
có hay không?
Theo quy
định tại Điều 323 của Bộ luật Hình sự về tội chứa chấp hoặc
tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có thì: “1. Người nào không hứa
hẹn trước mà chứa chấp, tiêu thụ tài sản biết rõ là do người khác phạm tội mà
có, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo
không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm”. Theo hướng
dẫn tại Thông tư liên tịch số 09/2011/TTLT-BCA-BQP-BTP-NHNNVN-VKSNDTC-TANDTC
ngày 30-11-2011 của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước
Việt Nam, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn
áp dụng quy định của Bộ luật hình sự năm 1999 về tội chứa chấp hoặc tiêu thụ
tài sản do người khác phạm tội mà có thì: “1. “Tài sản do người khác phạm
tội mà có” là tài sản do người phạm tội có được trực tiếp từ việc thực hiện
hành vi phạm tội (ví dụ: tài sản chiếm đoạt được, tham ô, nhận hối lộ...) hoặc
do người phạm tội có được từ việc mua bán, đổi chác bằng tài sản có được trực
tiếp từ việc họ thực hiện hành vi phạm tội (ví dụ: xe máy có được từ việc dùng
tiền tham ô để mua); 2. “Biết rõ tài sản là do người khác phạm tội mà có ” là
có cần cứ chứng minh biết được tài sản có được trực tiếp từ người thực hiện
hành vi phạm tội hoặc có được từ việc mua bán, đổi chác bằng tài sản có được
trực tiếp từ người thực hiện hành vi phạm tội”.
Như vậy,
theo quy định tại Điều 323 của Bộ luật Hình sự và hướng dẫn
nêu trên thì mặt chủ quan của tội phạm này chỉ bắt buộc người có hành vi chứa
chấp, tiêu thụ tài sản biết tài sản đó do người khác thực hiện hành vi phạm tội
mà có, mà không buộc người tiêu thụ, chứa chấp phải biết rõ ai là người đã trực
tiếp thực hiện hành vi phạm tội để có được tài sản đó và họ đã bị xử lý hình sự
hay chưa. Do vậy, trường hợp người thực hiện hành vi phạm tội trước không bị
truy cứu trách nhiệm hình sự do chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự nhưng có
đủ chứng cứ chứng minh được ý thức chủ quan của người có hành vi chứa chấp,
tiêu thụ biết rõ các tài sản mà họ chứa chấp, tiêu thụ là do người khác phạm
tội mà có thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội chứa chấp hoặc tiêu thụ
tài sản do người khác phạm tội mà có.
9. Trường hợp xác định được ngày, giờ, phút sinh của người
bị buộc tội thì tính tuổi chịu trách nhiệm hình sự của người bị buộc tội là
theo ngày sinh hay theo ngày, giờ, phút sinh?
Theo quy
định tại Điều 417 của Bộ luật Tố tụng hình sự thì tuổi của
người bị buộc tội được xác định theo ngày sinh mà không tính theo giờ, phút
sinh. Mặt khác, theo nguyên tắc có lợi cho người bị buộc tội nên mặc dù xác
định được ngày, giờ, phút sinh của người bị buộc tội nhưng việc tính tuổi chịu trách
nhiệm hình sự của người bị buộc tội là theo ngày sinh.
II. Về dân sự
1. Trường hợp giao dịch chuyển nhượng nhà đất bị vô hiệu
nhưng bên nhận chuyển nhượng đã được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà,
quyền sử dụng đất và đã thế chấp nhà, quyền sử dụng đất đó cho Ngân hàng theo
đúng quy định của pháp luật. Vậy giao dịch thế chấp đó có bị vô hiệu không?
Tại khoản 2 Điều 133 của Bộ luật Dân sự quy định:
“...2.
Trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu nhưng tài sản đã được đăng ký tại cơ quan
nhà nước có thẩm quyền, sau đó được chuyển giao bằng một giao dịch dân sự khác
cho người thứ ba ngay tình và người này căn cứ vào việc đăng ký đó mà xác lập,
thực hiện giao dịch thì giao dịch đó không bị vô hiệu.
Trường
hợp tài sản phải đăng ký mà chưa được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền
thì giao dịch dân sự với người thứ ba bị vô hiệu, trừ trường hợp người thứ ba
ngay tình nhận được tài sản này thông qua bán đấu giá tại tổ chức có thẩm quyền
hoặc giao dịch với người mà theo bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có
thẩm quyền là chủ sở hữu tài sản nhưng sau đó chủ thể này không phải là chủ sở
hữu tài sản do bản án, quyết định bị hủy, sửa. …”
Theo Bản
thuyết minh Dự án Bộ luật Dân sự năm 2015 của Ban soạn thảo thì quy định tại khoản 2 Điều 133 của Bộ luật Dân sự là nhằm: “...Bảo đảm
công bằng, hợp lý đối với người thiện chí, ngay tình và bảo đảm sự ổn định
trong các quan hệ dân sự (các Bộ luật dân sự trên thế giới đều ghi nhận việc
bảo vệ người thứ ba ngay tình trong giao dịch dân sự)...”. Cho nên, cụm từ “chuyển
giao bằng một giao dịch dân sự khác” tại khoản 2 Điều 133
của Bộ luật Dân sự phải được áp dụng theo nghĩa rộng. Có nghĩa là: Không
chỉ có những giao dịch nhằm chuyển giao quyền sở hữu như: Hợp đồng mua bán,
tặng cho, đổi, góp vốn nhà ở; chuyển nhượng, chuyển đổi, góp vốn bằng quyền sử
dụng đất... mà cả những giao dịch nhằm chuyển giao những quyền về sở hữu đối
với tài sản hoặc quyền về sử dụng đối với thửa đất.
Đồng
thời, thế chấp tài sản là một biện pháp bảo đảm, theo quy định tại Điều 317 của Bộ luật Dân sự thì nội hàm của thế chấp tài sản
là việc người thế chấp dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện
nghĩa vụ đối với bên nhận thế chấp mà không giao tài sản đó cho bên nhận thế
chấp. Tuy nhiên, tại khoản 6 Điều 320 của Bộ luật Dân sự
quy định nghĩa vụ của bên thế chấp tài sản là: “Giao tài sản thế chấp cho
bên nhận thế chấp để xử lý khi thuộc một trong các trường hợp xử lý tài sản bảo
đảm quy định tại Điều 299 của Bộ luật này...”; khoản 7 Điều
323 của Bộ luật Dân sự quy định quyền của bên nhận thế chấp: “Xử lý tài
sản thế chấp khi thuộc trường hợp quy định tại Điều 299 của Bộ luật này”.
Như vậy, mục đích của thế chấp là người có nghĩa vụ dùng tài sản thuộc sở hữu
của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ đối với bên nhận thế chấp, trong trường hợp
nghĩa vụ đó không được bên thế chấp thực hiện hoặc thực hiện không đúng thì
phải giao tài sản đã thế chấp cho bên nhận thế chấp xử lý nhằm bảo đảm quyền
lợi của bên nhận thế chấp. Vì vậy, phải xem thế chấp tài sản là một giao dịch
chuyển giao tài sản có điều kiện; để bảo đảm quyền lợi cho bên nhận thế chấp
ngay tình thì phải hiểu quy định “chuyển giao bằng một giao dịch dân sự
khác” tại khoản 2 Điều 133 của Bộ luật Dân sự được áp
dụng cả trong trường hợp giao dịch về thế chấp tài sản.
Cho nên,
trường hợp giao dịch chuyển nhượng nhà đất bị vô hiệu nhưng bên nhận chuyển
nhượng đã được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà, quyền sử dụng đất và đã thế
chấp nhà, quyền sử dụng đất đó cho Ngân hàng theo đúng quy định của pháp luật
thì giao dịch thế chấp đó không vô hiệu.
2. Trường hợp, trên cơ sở hợp đồng chuyển nhượng, chuyển
đổi, tặng cho quyền sử dụng đất, cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã cấp giấy
chứng nhận quyền sử dụng đối với thửa đất đó cho người nhận chuyển nhượng, nhận
chuyển đổi, nhận tặng cho quyền sử dụng đất. Sau đó, các bên tranh chấp và Tòa
án xét thấy hợp đồng nói trên bị vô hiệu hoặc chấp nhận yêu cầu hủy bỏ, như vậy
khi giải quyết Tòa án có phải áp dụng Điều 34
của Bộ luật Tố tụng dân sự đưa những cơ quan đã cấp
giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đó tham gia tố tụng với tư cách là người có
quyền lợi, nghĩa vụ liên quan để xem xét hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
đã cấp cho người nhận chuyển nhượng, nhận chuyển đổi, nhận tặng cho quyền sử
dụng đất không?
Nhiệm vụ
của Bộ luật Tố tụng dân sự là giải quyết vụ việc dân sự được nhanh chóng, chính
xác, công minh và đúng pháp luật, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích
hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân... Trên cơ sở đó, Điều
34 của Bộ luật Tố tụng dân sự quy định khi giải quyết các vụ việc dân sự,
mà trong vụ việc đó có quyết định cá biệt của cơ quan, tổ chức, người có thẩm
quyền trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự và nội dung
của quyết định đó liên quan đến vụ việc Tòa án giải quyết thì Tòa án phải hủy
quyết định đó để khôi phục quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự.
“Quy
định này tạo cơ sở cho Tòa án chủ động trong việc hủy quyết định cá biệt trái
pháp luật có ảnh hưởng tới quyền lợi hợp pháp của đương sự, nhằm giải quyết vụ
việc dân sự một cách chính xác, toàn diện ”. (Mục 3 Bộ luật
Tố tụng dân sự ngày 10-4-2015 của Tòa án nhân dân tối cao).
Tại mục 1 Phần I của Công văn số 02/GĐ-TANDTC ngày 19-9-2016 của
Tòa án nhân dân tối cao về Giải đáp nghiệp vụ đã hướng dẫn: “Giấy chứng nhận
quyền sử dụng đất là quyết định hành chính...” cá biệt. Như vậy, theo quy
định tại Điều 34 của Bộ luật Tố tụng dân sự khi giải quyết
tranh chấp về quyền sử dụng đất mà trong đó có việc cơ quan nhà nước cấp giấy
chứng nhận quyền sử dụng đối với thửa đất đang tranh chấp không đúng, gây thiệt
hại đến quyền lợi của đương sự thì Tòa án phải đưa cơ quan cấp giấy chứng nhận
quyền sử dụng đất tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ
liên quan và xem xét hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đó.
Tuy
nhiên, tại điểm d khoản 2 của Điều 106 của Luật Đất đai quy
định cơ quan cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không được thu hồi giấy
chứng nhận quyền sử dụng đất trong trường hợp “...người được cấp Giấy chứng
nhận đó đã thực hiện chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền
với đất theo quy định của pháp luật đất đai...”. Theo Điều
195 của Luật Đất đai thì trình tự, thủ tục cấp giấy chứng nhận hoặc xác
nhận nội dung biến động do chuyển quyền sử dụng đất do Chính phủ quy định. Điều 79 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15-5-2014 của
Chính phủ quy định việc đăng ký biến động, cấp lại giấy chứng nhận quyền sử
dụng đất do chuyển quyền dựa trên cơ sở hồ sơ hợp đồng, Văn phòng đăng ký đất
đai có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ, nếu đủ điều kiện thực hiện các quyền theo
quy định thì xác nhận nội dung biến động vào Giấy chứng nhận đã cấp hoặc lập hồ
sơ trình cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Như vậy,
theo quy định của Luật Đất đai và Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15-5-2014 của
Chính phủ thì việc cấp lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc xác nhận nội
dung biến động trong trường hợp thực hiện hợp đồng (các trường hợp quy định tại
khoản 3 Điều 105 của Luật Đất đai) là thủ tục hành chính
trong giao dịch dân sự, không mang tính chất của quyết định hành chính cá biệt;
cơ quan, tổ chức có thẩm quyền sẽ thực hiện việc đăng ký biến động, cấp lại
giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên cơ sở kết quả giao dịch có hiệu lực. Cho
nên, khi giải quyết tranh chấp về hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất mà hợp đồng
đó bị vô hiệu, nhưng người nhận chuyển quyền đã được cấp giấy chứng nhận quyền
sử dụng đất hoặc đã được xác nhận nội dung biến động thì không đưa cơ quan
có thẩm quyền trong việc cấp giấy tham gia tố tụng và không cần phải tuyên hủy
giấy chứng nhận cấp cho người nhận chuyển nhượng. Khi Tòa án tuyên hợp đồng
chuyển quyền sử dụng đất vô hiệu thì Văn phòng đăng ký đất đai, cơ quan Tài
nguyên và Môi trường căn cứ vào bản án, quyết định của Tòa án để giải quyết
điều chỉnh biến động hoặc cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất phù hợp với
kết quả giải quyết của Tòa án.
3. Tại phiên tòa sơ thẩm, nếu nguyên đơn rút toàn bộ yêu
cầu khởi kiện thì nguyên đơn có phải chịu án phí không? Đến ngày mở phiên tòa
sơ thẩm, nguyên đơn mới nộp đơn xin rút yêu cầu khởi kiện thì thẩm quyền ra
quyết định đình chỉ giải quyết vụ án của Thẩm phán hay Hội đồng xét xử?
a) Về
việc chịu án phí
Khoản 3 Điều 218 của Bộ luật Tố tụng dân sự quy định: “Trường
hợp Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự do người khởi kiện
rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện quy định tại điểm c khoản 1 Điều 217 của Bộ luật
này thì tiền tạm ứng án phí mà đương sự đã nộp được trả lại cho họ.”
Khoản 3 Điều 18 của Nghị quyết số 326/2016/LHBTVQH14 ngày
30-12- 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu,
nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án cũng quy định: Trường hợp Tòa án
ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự do người khởi kiện rút toàn bộ
yêu cầu khởi kiện theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 217 của
Bộ luật Tố tụng dân sự thì tiền tạm ứng án phí được trả lại cho người đã
nộp.
Điểm b khoản 1 Điều 299 của Bộ luật Tố tụng dân sự quy định: “Bị
đơn đồng ý thì chấp nhận việc rút đơn khởi kiện của nguyên đơn. Hội đồng xét xử
phúc thẩm ra quyết định hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ giải quyết vụ án. Trong
trường hợp này, các đương sự vẫn phải chịu án phí sơ thẩm theo quyết định của
Tòa án cấp sơ thẩm và phải chịu một nửa án phí phúc thẩm theo quy định của pháp
luật.”
Quy định
tại khoản 3 Điều 218 của Bộ luật Tố tụng dân sự và khoản 3 Điều 18 của Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 không chỉ rõ
là áp dụng cho giai đoạn chuẩn bị xét xử hay tại phiên tòa thì phải được hiểu
bao gồm cả giai đoạn tại phiên tòa. Không thể áp dụng tương tự quy định của
giai đoạn xét xử phúc thẩm cho phiên tòa sơ thẩm vì sẽ là việc đặt ra một quy
định mới về trách nhiệm pháp lý nặng hơn của đương sự. Do đó, trường hợp đình
chỉ xét xử sơ thẩm do nguyên đơn rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện, dù là trước khi
mở phiên tòa hay tại phiên tòa sơ thẩm thì nguyên đơn vẫn được trả lại tiền tạm
ứng án phí; các đương sự không phải chịu án phí sơ thẩm.
b) Về
thẩm quyền ra Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án
Điều 219 của Bộ luật Tố tụng dân sự quy định về Thẩm quyền ra
Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự là:
“1.
Trước khi mở phiên tòa, Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án dân sự có
thẩm quyền ra quyết định...
2.
Tại phiên tòa, Hội đồng xét xử có thẩm quyền ra quyết định...”
Vậy đến
ngày mở phiên tòa đã được coi là “tại phiên tòa” hay chưa? Mục 2 Chương XIV Bộ luật Tố tụng dân sự quy định về thủ tục
bắt đầu phiên tòa. Theo quy định tại Mục này thì phiên tòa bắt đầu bằng thủ tục
“Khai mạc phiên tòa” (Điều 239). Do đó, đến ngày mở
phiên tòa (được triệu tập) nhưng chưa khai mạc phiên tòa thì chưa coi là “bắt
đầu phiên tòa”, chưa coi là “tại phiên tòa”. Nếu nguyên đơn nộp đơn
xin rút yêu cầu khởi kiện trước khi khai mạc phiên tòa thì Thẩm phán vẫn có
thẩm quyền ra quyết định đình chỉ việc giải quyết vụ án chứ không phải là Hội
đồng xét xử.
4. Trường hợp con của người để lại di sản vi phạm các quy
định tại khoản 1 Điều 621 của Bộ luật Dân sự
là những trường hợp không được quyền hưởng di sản nhưng
người con này lại chết trước hoặc cùng người để lại di sản thì con của người
này có được hưởng thừa kế thế vị đối với di sản do ông bà để lại hay không?
Điều 652 của Bộ luật Dân sự quy định: “Trường hợp con của
người để lại di sản chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản
thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống...”.
Theo quy
định tại Điều 652 nêu trên thì: Không phải cứ con chết
trước người để lại di sản thì cháu được hưởng di sản. Thừa kế thế vị là hưởng
thay và đối tượng hưởng thay đã được quy định rõ là “phần di sản của cha
hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống”. Trường hợp một người đã không
được quyền hưởng di sản theo quy định tại khoản 1 Điều 621 của
Bộ luật Dân sự, như bị kết án về hành vi ngược đãi nghiêm trọng người cha
thì họ sẽ không được hưởng di sản của người cha. Do vậy, nếu họ còn sống khi
cha chết thì họ cũng không được hưởng di sản thừa kế nên không có “phần được
hưởng nếu còn sống” để cho người khác hưởng thế vị.
5. Trường hợp cơ quan thi hành án dân sự bán đấu giá tài
sản của người phải thi hành án để thi hành án, nếu người phải thi hành án không
đồng ý với kết quả bán đấu giá thì có quyền khởi kiện “tranh chấp về kết quả
bán đấu giá tài sản” không?
Theo quy
định tại khoản 13 Điều 26 của Bộ luật Tố tụng dân sự thì
Tòa án có thẩm quyền giải quyết tranh chấp về kết quả bán đấu giá tài sản,
thanh toán phí tổn đăng ký mua tài sản bán đấu giá theo quy định của pháp luật
thi hành án dân sự.
Theo quy
định tại khoản 2 Điều 102 của Luật Thi hành án dân sự thì
chỉ có hai đối tượng, cụ thể là người mua được tài sản bán đấu giá và chấp hành
viên, mới có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp về kết quả
bán đấu giá tài sản, nếu có căn cứ chứng minh có vi phạm trong quá trình bán
đấu giá.
Như vậy,
Luật Thi hành án dân sự không quy định người phải thi hành có quyền khởi kiện
yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp về kết quả bán đấu giá tài sản. Do vậy,
người phải thi hành án nếu không đồng ý với kết quả bán đấu giá tài sản thì họ
không có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết loại tranh chấp này.
Vấn đề
đặt ra là tại sao Luật lại quy định như vậy? Vấn đề này có thể giải thích như
sau:
Thứ
nhất, theo quy định tại khoản 2 Điều 5 của Luật Đấu giá tài sản
thì đấu giá tài sản là hình thức bán tài sản có từ hai người trở lên tham gia
đấu giá theo nguyên tắc, trình tự, thủ tục được quy định tại Luật này, trừ
trường hợp quy định tại Điều 49 của Luật này. Theo quy định tại khoản
5 thì người có tài sản đấu giá là cá nhân, tổ chức sở hữu tài sản, người
được chủ sở hữu tài sản ủy quyền bán đấu giá tài sản hoặc người có quyền đưa
tài sản ra đấu giá theo thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật; theo quy
định tại khoản 6 thì người mua được tài sản đấu giá là
người trúng đấu giá và ký kết hợp đồng mua bán tài sản đấu giá hoặc được cơ
quan có thẩm quyền phê duyệt kết quả đấu giá tài sản; theo quy định tại khoản 8 thì người trúng đấu giá là người trả giá cao nhất so
với giá khởi điểm hoặc bằng giá khởi điểm nếu không có người trả giá cao hơn
theo phương thức trả giá lên; hoặc là người chấp nhận mức giá khởi điểm hoặc
mức giá đã giảm trong trường hợp đấu giá theo phương thức đặt giá xuống. Thực
chất, đây là một giao dịch dân sự mà chủ thể tham gia là người có tài sản hoặc
có quyền đưa tài sản ra đấu giá và người tham gia đấu giá và người trúng đấu
giá theo quy định của pháp luật. Chỉ giữa những người này mới phát sinh quyền,
nghĩa vụ có khả năng tranh chấp với nhau có liên quan đến kết quả đấu giá và
chỉ người này mới có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện yêu cầu Tòa án hủy kết quả
đấu giá nếu họ cho rằng có vi phạm pháp luật trong quá trình đấu giá làm ảnh
hưởng đến quyền và lợi ích của họ. Xem xét trường hợp cơ quan thi hành án bán
đấu giá tài sản thì Cơ quan thi hành mà cụ thể là Chấp hành viên là bên có
quyền đưa tài sản của người phải thi hành án ra bán đấu, mà không phải là người
phải thi hành án có tài sản bị cơ quan thi hành án kê biên và đưa ra bán đấu
giá để thi hành án, bên trúng đấu giá tài sản là người tham gia đấu giá trả giá
cao nhất theo phương thức trả giá lên hoặc chấp nhận mức giá đã giảm theo
phương thức đấu giá xuống. Vì vậy, chỉ có Chấp hành viên và người trúng đấu giá
đã ký hợp đồng mua tài sản đấu giá mới có quyền và nghĩa vụ phát sinh từ giao
dịch bán đấu giá và có thể trở thành các bên tranh chấp với nhau về kết quả bán
đấu giá tài sản. Người phải thi hành án không phải là người đưa tài sản ra bán
đấu giá, tức là không tham gia, không phải là một bên trong giao dịch này nên
không có quyền và nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch và do đó họ không có quyền
khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp về kết quả bán đấu giá tài sản.
Chỉ trong trường hợp duy nhất là họ tham gia và trúng đấu giá thì lúc này với
tư cách là người mua được tài sản đấu giá thì họ mới có quyền khởi kiện.
Thứ hai,
nếu người phải thi hành án có căn cứ cho rằng cơ quan thi hành án có hành vi,
quyết định kê biên, định giá và bán đấu giá đối với tài sản của họ để thi hành
án trái pháp luật thì họ có quyền khiếu nại theo quy định tại khoản
1 Điều 140 của Luật Thi hành án dân sự. Việc giải quyết khiếu nại của họ
được thực hiện theo nguyên tắc, trình tự, thủ tục quy định tại Mục
1 Chương VI của Luật Thi hành án dân sự.
6. Theo khoản 4 Điều
217 của Bộ luật Tố tụng dân sự thì khi quyết định
đình chỉ vụ án “Tòa án đồng thời phải giải quyết hậu quả của việc thi hành án,
các vấn đề khác có liên quan (nếu có)”, trường hợp nguyên đơn được triệu tập
hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt thì Tòa án có giải quyết việc thi hành án
trong quyết định đình chỉ hay không?
Theo quy
định tại khoản 4 Điều 217 của Bộ luật Tố tụng dân sự thì: “Đối
với vụ án được xét xử lại theo thủ tục sơ thẩm sau khi có quyết định giám đốc
thẩm, tái thẩm mà Tòa án quyết định đình chỉ việc giải quyết vụ án thì Tòa án
đồng thời phải giải quyết hậu quả của việc thi hành án, các vấn đề khác có liên
quan (nếu có); trường hợp nguyên đơn rút đơn khởi kiện hoặc đã được triệu tập
hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt thì việc đình chỉ giải quyết vụ án phải có
sự đồng ý của bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.”
Theo quy
định nêu trên thì trong trường hợp vụ án đã có quyết định giám đốc thẩm, tái
thẩm hủy án để xét xử lại, quá trình giải quyết lại sơ thẩm, nguyên đơn rút
toàn bộ đơn khởi kiện hoặc đã được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt
nhưng họ không đề nghị xét xử vắng mặt hoặc vì sự kiện bất khả kháng, trở ngại
khách quan thì việc đình chỉ giải quyết vụ án phải được sự đồng ý của bị đơn, người
có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Do vậy, trường hợp nguyên đơn rút toàn bộ đơn
khởi kiện hoặc đã được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt nhưng họ
không đề nghị xét xử vắng mặt hoặc vì sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách
quan, Tòa án phải hỏi ý kiến của bị đơn, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan
về việc có đồng ý đình chỉ giải quyết vụ án hay không, có yêu cầu giải quyết
hậu quả của việc thi hành án, các vấn đề khác có liên quan không và tùy từng
trường hợp xử lý như sau:
- Trường
hợp bị đơn không đồng ý đình chỉ giải quyết vụ án, yêu cầu giải quyết hậu quả
của việc thi hành án, các vấn đề khác có liên quan thì Tòa án ra quyết định
đình chỉ yêu cầu của nguyên đơn, xác định lại tư cách bị đơn trở thành nguyên
đơn và nguyên đơn trở thành bị đơn.
- Trường
hợp bị đơn đồng ý đình chỉ giải quyết vụ án nhưng người có quyền lợi, nghĩa vụ
liên quan không đồng ý đình chỉ giải quyết vụ án, yêu cầu giải quyết hậu quả
của việc thi hành án, các vấn đề khác có liên quan, yêu cầu độc lập thì Tòa án
ra quyết định đình chỉ yêu cầu của nguyên đơn, đình chỉ yêu cầu phản tố của bị
đơn (nếu có); người có quyền, nghĩa vụ liên quan trở thành nguyên đơn, người
nào bị người có quyền, nghĩa vụ liên quan yêu cầu Tòa án giải quyết thì trở
thành bị đơn. Tòa án tiếp tục giải quyết vụ án theo thủ tục chung.
- Trường
hợp bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đồng ý đình chỉ giải quyết
vụ án, không yêu cầu giải quyết hậu quả của việc thi hành án, các vấn đề khác
có liên quan thì Tòa án đình chỉ giải quyết vụ án và giải quyết vấn đề án phí,
không giải quyết vấn đề hậu quả của việc thi hành án.
- Trường
hợp bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đã được Tòa án triệu tập hợp
lệ đến lần thứ hai để hỏi ý kiến về việc có đồng ý đình chỉ giải quyết vụ án
hay không, có yêu cầu giải quyết hậu quả của việc thi hành án, các vấn đề khác
có liên quan không nhưng vẫn vắng mặt nhưng không vì sự kiện bất khả kháng, trở
ngại khách quan thì coi như đồng ý đình chỉ việc giải quyết vụ án.
III. Về tố tụng hành chính
1. Trong vụ án hành chính, một thành viên hộ gia đình
khởi kiện quyết định hành chính thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền
đối với hộ gia đình thì Tòa án có phải đưa các thành viên khác của hộ gia đình
tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan hay không?
Theo quy
định tại khoản 10 Điều 3 của Luật Tố tụng hành chính thì: “Người
có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là cơ quan, tổ chức, cá nhân tuy không khởi
kiện, không bị kiện, nhưng việc giải quyết vụ án hành chính có liên quan đến
quyền lợi, nghĩa vụ của họ nên họ tự mình hoặc đương sự khác đề nghị và được
Tòa án nhân dân chấp nhận hoặc được Tòa án đưa vào tham gia tố tụng với tư cách
là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan”;
Theo quy
định tại khoản 29 Điều 3 của Luật Đất đai thì: “Hộ gia đình
sử dụng đất là những người có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng theo
quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, đang sống chung và có quyền sử
dụng đất chung tại thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận
quyền sử dụng đất; nhận chuyển quyền sử dụng đất”.
Do đó,
khi xem xét tính hợp pháp của quyết định hành chính liên quan đến quyền sử dụng
đất của hộ gia đình thì Tòa án phải đưa các thành viên còn lại của hộ gia đình
tại thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất
hoặc nhận chuyển quyền sử dụng đất tham gia tố tụng với tư cách người có quyền
lợi nghĩa vụ liên quan để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho họ.
2. Để ban hành quyết định hành chính thì Chủ tịch Ủy ban
nhân dân cấp tỉnh đã căn cứ trên cơ sở ý kiến của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp
huyện, Ủy ban nhân dân cấp huyện (tại một số công văn, báo cáo...). Trường hợp
quyết định hành chính của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh bị khởi kiện thì
Tòa án có phải đưa Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp
huyện tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan hay
không?
Theo quy
định tại khoản 10 Điều 3 của Luật Tố tụng hành chính thì: “Người
có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là cơ quan, tổ chức, cá nhân tuy không khởi
kiện, không bị kiện, nhưng việc giải quyết vụ án hành chính có liên quan đến
quyền lợi, nghĩa vụ của họ nên họ tự mình hoặc đương sự khác đề nghị và được
Tòa án nhân dân chấp nhận hoặc được Tòa án đưa vào tham gia tố tụng với tư cách
là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan”;
Theo quy
định tại khoản 2 Điều 21 của Luật Khiếu nại thì Chủ tịch Ủy
ban nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai đối với quyết
định hành chính, hành vi hành chính của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện;
theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 203 của Luật Đất đai
thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết khiếu nại đối
với quyết định giải quyết tranh chấp đất đai của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp
huyện.
Theo quy
định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 193 của Luật Tố tụng hành
chính thì:
“1.
Hội đồng xét xử xem xét tính hợp pháp của quyết định hành chính... quyết định
giải quyết khiếu nại có liên quan.
2.
Hội đồng xét xử có quyền quyết định:
...b)
Chấp nhận một phần hoặc toàn bộ yêu cầu khởi kiện, tuyên hủy một phần hoặc toàn
bộ quyết định hành chính trái pháp luật và quyết định giải quyết khiếu nại có
liên quan (nếu có)... ”
Theo các
quy định nêu trên thì khi xem xét yêu cầu khởi kiện mà Tòa án phải xem xét tính
hợp pháp của quyết định hành chính có liên quan do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp
huyện, Ủy ban nhân dân cấp huyện ban hành, thì phải đưa Chủ tịch Ủy ban nhân
dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp huyện tham gia tố tụng với tư cách người có
quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án. Đối với trường hợp này, các văn bản
hành chính của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp huyện
ban hành (công văn, báo cáo...) không phải là quyết định hành chính có liên
quan nên Tòa án không đưa Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân
cấp huyện tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan
trong vụ án.
3. Tại phiên tòa sơ thẩm, nếu người bị kiện sửa đổi hoặc
hủy bỏ quyết định hành chính bị khiếu kiện nhưng người khởi kiện không rút đơn
khởi kiện thì Tòa án xử bác đơn khởi kiện do đối tượng khởi kiện không còn có
đúng không?
Trong
quá trình giải quyết vụ án hành chính, người bị kiện có quyền sửa đổi hoặc hủy
bỏ quyết định hành chính theo quy định tại khoản 4 Điều 57 của
Luật Tố tụng hành chính.
Trường
hợp tại phiên tòa sơ thẩm, người bị kiện cam kết sửa đổi, bổ sung, thay thế,
hủy bỏ quyết định bị khởi kiện và người khởi kiện cam kết rút đơn khởi kiện thì
Tòa án căn cứ vào Điều 187 của Luật Tố tụng hành chính để
tạm ngừng phiên tòa. Hết thời hạn tạm ngừng phiên tòa mà người bị kiện ban hành
quyết định hành chính mới, người khởi kiện đồng ý rút đơn khởi kiện thì Hội
đồng xét xử quyết định đình chỉ giải quyết vụ án.
Trường
hợp tại phiên tòa sơ thẩm, người bị kiện xuất trình quyết định hành chính mới
sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ quyết định bị khởi kiện mà người khởi kiện
đồng ý rút đơn khởi kiện thì Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án. Nếu
người khởi kiện không rút đơn khởi kiện thì Tòa án phải tiếp tục xem xét tính hợp
pháp của quyết định hành chính bị khởi kiện và quyết định hành chính mới. Trong
trường hợp này, Tòa án căn cứ vào khoản 2 Điều 193 của Luật Tố
tụng hành chính để tùy vào từng trường hợp cụ thể mà bác yêu cầu khởi kiện
nếu yêu cầu đó không có căn cứ pháp luật hoặc chấp nhận một phần hoặc toàn bộ
yêu cầu khởi kiện nếu quyết định hành chính bị khởi kiện, quyết định hành chính
mới trái pháp luật. Trường hợp quyết định hành chính mới có liên quan đến quyền
và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác thì phải tạm ngừng phiên tòa để
đưa cơ quan, tổ chức, cá nhân đó tham gia tố tụng với tư cách người có quyền
lợi, nghĩa vụ liên quan và giải quyết vụ án theo thủ tục chung.
4. Trong vụ án hành chính đã có quyết định giải quyết
khiếu nại của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, nhưng người khởi kiện chỉ
khởi kiện đối với quyết định hành chính của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã.
Vậy xác định thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm là của Tòa án nhân dân
cấp huyện hay Tòa án nhân dân cấp tỉnh?
Theo quy
định của Điều 193 của Luật Tố tụng hành chính thì khi giải
quyết vụ án hành chính, Hội đồng xét xử có thẩm quyền xem xét tính hợp pháp của
quyết định hành chính và quyết định giải quyết khiếu nại có liên quan.
Theo quy
định tại khoản 4 Điều 32 của Luật Tố tụng hành chính thì
Tòa án cấp tỉnh giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những khiếu kiện quyết định
hành chính, hành vi hành chính của Ủy ban nhân dân cấp huyện, Chủ tịch Ủy ban
nhân dân cấp huyện trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án.
Trong
trường hợp này, Tòa án phải xem xét tính hợp pháp của quyết định hành chính của
Ủy ban nhân dân cấp xã và quyết định giải quyết khiếu nại Chủ tịch Ủy ban nhân
dân cấp huyện. Trong điều kiện hiện nay, các Tòa án nhân dân cấp tỉnh đang bị
áp lực lớn về công việc, để tránh việc chuyên quá nhiều vụ án hành chính lên
Tòa án nhân dân cấp tỉnh và phù hợp với các quy định của pháp luật thì trong
trường hợp này Tòa án nhân dân cấp huyện vẫn thụ lý, xem xét giải quyết vụ án
hành chính. Trường hợp có căn cứ xác định quyết định giải quyết khiếu nại của
Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện trái pháp luật và phải hủy quyết định hành
chính này mới bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự thì Tòa án nhân
dân cấp huyện đang thụ lý, giải quyết vụ án đình chỉ việc xét xử và chuyển hồ
sơ vụ án cho Tòa án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết. Trường hợp có
căn cứ xác định quyết định giải quyết khiếu nại của Chủ tịch Ủy ban nhân dân
cấp huyện đúng pháp luật, không xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của
đương sự và không phải hủy quyết định hành chính này thì Tòa án nhân dân cấp
huyện đang thụ lý, xem xét tiếp tục giải quyết vụ án.
5. Việc chỉnh lý bản đồ địa chính cấp xã có là đối tượng
khởi kiện vụ án hành chính không? Nếu thuộc đối tượng khởi kiện thì xác định
người bị kiện trong trường hợp này là ai?
Theo quy
định tại khoản 3 Điều 22 và khoản 3 Điều 31 của Luật Đất đai
thì việc khảo sát, đo đạc, lập bản đồ địa chính thuộc nội dung quản lý nhà nước
về đất đai do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định.
Theo quy
định tại khoản 6 Điều 22 Thông tư số 25/2014/TT-BTNMT quy
định về bản đồ địa chính ngày 19-05-2014 và điểm e khoản 5 Điều
2 của Thông tư liên tịch số 50/2014/TTLT-BTNMT-BNV ngày 28-8-2014 hướng dẫn
về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Tài nguyên và Môi
trường thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Phòng Tài nguyên và Môi trường thuộc
Ủy ban nhân dân cấp huyện thì Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm trong
việc lập, chỉnh lý và ký duyệt nghiệm thu bản đồ địa chính.
Như vậy,
căn cứ vào các quy định nêu trên thì bản đồ địa chính cấp xã được xác định là
quyết định hành chính, nếu việc chỉnh lý bản đồ địa chính cấp xã thuộc trường
hợp quy định tại khoản 2 Điều 3 của Luật Tố tụng hành chính
thì là đối tượng khởi kiện vụ án hành chính.
Việc
lập, chỉnh lý, ký duyệt bản đồ địa chính do Sở Tài nguyên và Môi trường hoặc do
cơ quan, tổ chức khác thực hiện thì người bị kiện được xác định là cơ quan, tổ
chức đã thực hiện việc lập, chỉnh lý, ký duyệt bản đồ địa chính mà người khởi
kiện cho rằng việc chỉnh lý đó xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của họ theo
quy định tại khoản 9 Điều 3 của Luật Tố tụng hành chính.
Trên đây
là kết quả giải đáp trực tuyến một số vướng mắc của Hội đồng Thẩm phán, Tòa án
nhân dân tối cao thông báo để các Tòa án nghiên cứu tham khảo trong quá trình
giải quyết các vụ việc thuộc thẩm quyền.
Nơi nhận:
- Như kính
gửi;
- Đồng chí Chánh án TANDTC (để b/c);
- Các đồng chí Phó Chánh án TANDTC;
- Các đồng chí Thẩm phán TANDTC;
- Ủy ban Tư pháp của Quốc hội;
- Ủy ban Pháp luật của Quốc hội;
- Ban Nội chính Trung ương;
- Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Chính phủ;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Bộ Tư pháp;
- Cổng TTĐT TANDTC (để đăng tải);
- Lưu: VT (VP, Vụ PC&QLKH).
|
KT.
CHÁNH ÁN
PHÓ CHÁNH ÁN
Nguyễn Trí Tuệ
|